Một trong những hành vi lừa đảo được NCSC ghi nhận là việc mạo danh các nhãn hàng lớn, gửi link lạ kèm thông tin về quà tặng, trúng thưởng nhằm lừa đảo, chiếm tài sản người dùng, xâm nhập hệ thống của các doanh nghiệp, tổ chức. Từ đó, đối tượng xấu khai thác các thông tin liên quan đến tài khoản ngân hàng, thông tin cá nhân để trục lợi, đánh cắp tiền.
Ví dụ thời gian gần đây, hàng loạt người dùng Facebook nhận được tin nhắn có tiêu đề cùng đường link: “Adidas kỷ niệm 100 năm – nhấn vào để nhận quà” hay tin nhắn kêu gọi tham gia “Quỹ phúc lợi Coca-Cola”, mạo danh Co.opmart gửi link lạ kèm thông tin về quà tặng, trúng thưởng phiếu mua hàng.
Một hình thức lừa đảo khác được NCSC cảnh báo là việc lừa đảo qua các phần mềm ứng dụng và giao dịch điện tử. Đối tượng lừa đảo tạo ra các phần mềm ứng dụng cho điện thoại, thoạt nhìn giống như các ứng dụng phổ biến dùng để theo dõi diễn biến lây lan của dịch COVID-19. Nhưng khi người dùng tải về, điện thoại của họ sẽ bị tấn công bởi các mã độc nhằm lấy thông tin cá nhân, thông tin bảo mật, hay chi tiết tài khoản ngân hàng/thẻ tín dụng của nạn nhân. Ví dụ, giả mạo các số điện thoại của Công ty Điện lực (EVN) để yêu cầu khách hàng nộp tiền điện.
Một số đối tượng còn lập nên các website bán hàng trực tuyến, bán các vật tư y tế như khẩu trang y tế và nước rửa tay. Sau khi nhận tiền của người mua hàng, đối tượng lừa đảo ngắt liên lạc với nạn nhân và không giao hàng như đã thỏa thuận.
NCSC cũng ghi nhận sự nở rộ các bẫy lừa đảo đầu tư thời gian gần đây, điển hình như việc sử dụng chiêu trò hứa hẹn nhà đầu tư sẽ nhận được lợi nhuận cao khi đầu tư vào công ty cung cấp sản phẩm hay dịch vụ liên quan đến phòng chống, xét nghiệm, chữa trị COVID-19. Mô hình lừa đảo qua việc đầu tư online được nhận diện qua một số dấu hiệu như kêu gọi đầu tư làm giàu nhanh, hứa hẹn trả lãi với lãi suất cực cao, cam kết không có rủi ro hoặc rủi ro đầu tư rất thấp, hoàn vốn theo tỉ lệ cố định, khó rút vốn.
Ngoài ra cũng xuất hiện nhiều đối tượng lừa đảo giả mạo thông tin của tổ chức y tế như Viện Vệ Sinh Dịch Tễ Trung Ương của Việt Nam, Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Dịch Bệnh (“CDC”), hay Tổ Chức Y Tế Thế Giới (World Health Organisation hoặc “WHO”), gửi thư điện tử cho nạn nhân với tập tin đính kèm, hoặc các liên kết dẫn đến các nội dung cập nhật tình hình lây nhiễm của COVID-19. Khi mở các tập tin đính kèm hay nhấp vào các liên kết, máy tính của nạn nhân sẽ bị tấn công bởi các mã độc hoặc có thể bị lọ lọt thông tin cá nhân, thông tin thẻ tín dụng được lưu trữ trực tuyến.
Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) khuyến nghị người dùng Internet Việt Nam, khi phát hiện ra các tình huống có dấu hiệu lừa đảo như đề cập ở trên, có thể trực tiếp đường link, tình huống lừa đảo trực tuyến đến https://canhbao.ncsc.gov.vn. Trung tâm NCSC sẽ tổng hợp và phối hợp cùng các cơ quan chức năng xử lý nhằm hạn chế việc lừa đảo trực tuyến trên không gian mạng.