Chọn loại mặt nạ không phù hợp hay không thoa kem dưỡng ẩm sau khi đắp mặt nạ là những sai lầm khiến da càng chăm càng xấu.

Mỗi làn da có tính chất riêng, cần chọn loại mặt nạ phù hợp để giải quyết đúng các vấn đề da gặp phải.
Mỗi làn da có tính chất riêng, cần chọn loại mặt nạ phù hợp để giải quyết đúng các vấn đề da gặp phải.

1. Chọn loại mặt nạ không phù hợp

Mỗi làn da đều có tính chất, vấn đề gặp phải và nhu cầu làm đẹp riêng. Để phát huy tối đa tác dụng của mặt nạ dưỡng da, bạn cần lựa chọn loại phù hợp với làn da.

– Với da dầu, nên chọn các sản phẩm mặt nạ có chứa thành phần đất sét, than hoạt tính để tăng khả năng làm sạch, kiềm dầu. Nên tránh các sản phẩm chứa dầu, có thành phần sáp ong, dễ gây bít tắc lỗ chân lông, phát sinh mụn.

– Với làn da khô, nên chọn các sản phẩm mặt nạ có chứa dầu thực vật, bơ, hyaluronic acid để tăng khả năng dưỡng ẩm, giúp da bớt khô.

– Với da hỗn hợp, nên chọn mặt nạ phù hợp với từng vùng da như làm sạch vùng chữ T, cấp ẩm cho vùng da dưới mắt.

– Với làn da nhạy cảm, nên chọn mặt nạ có thành phần lành tính, dịu nhẹ, không gây kích ứng da như trà xanh, nha đam, yến mạch…

2. Chưa làm sạch kỹ da trước khi đắp mặt nạ

Làn da được làm sạch kỹ lưỡng sẽ dễ dàng hấp thu các dưỡng chất từ sản phẩm chăm sóc tiếp sau. Do đó, bạn cần làm sạch da trước khi đắp mặt nạ. Nên tẩy tế bào chết để loại bỏ hoàn toàn bụi bẩn, dầu thừa cùng lớp tế bào da chết trước khi đắp mặt nạ, để mặt nạ phát huy tối đa công dụng.

Đắp một lớp mặt nạ vừa đủ giúp da hấp thụ được hết dưỡng chất cần thiết, tránh lãng phí.
Đắp một lớp mặt nạ vừa đủ giúp da hấp thụ được hết dưỡng chất cần thiết, tránh lãng phí.

3. Đắp mặt nạ quá dày

Nếu sử dụng mặt nạ dạng kem hoặc gel, bạn chỉ cần thoa một lớp vừa đủ lên da. Không phải càng sử dụng lớp mặt nạ dày thì da càng nhận được nhiều dưỡng chất hơn. Đắp mặt nạ quá dày vừa lãng phí, vừa khiến da bị quá tải, không thể hấp thu hết dưỡng chất, lại dễ bị bít tắc lỗ chân lông, phát sinh mụn.

4. Đắp mặt nạ quá lâu

Thông thường, thời gian đắp mặt nạ thường từ 20 – 30 phút. Để mặt nạ quá lâu trên da không giúp da thẩm thấu được nhiều dưỡng chất hơn mà chỉ khiến da bị thiếu oxy, dễ mất nước. Nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng mặt nạ trước khi đắp và nên đặt đồng hồ để căn đúng thời gian gỡ mặt nạ.

5. Dùng sữa rửa mặt sau khi đắp mặt nạ

Bạn nên làm sạch da trước khi đắp mặt nạ còn sau đó, bạn không cần dùng sữa rửa mặt để làm sạch thêm một lần nữa. Với các loại mặt nạ dạng miếng, bạn không cần rửa mặt lại. Với các loại mặt nạ dạng đất sét hoặc dạng lột, bạn chỉ cần dùng nước sạch để loại bỏ hoàn toàn mặt nạ.

6. Không thoa kem dưỡng ẩm sau khi đắp mặt nạ

Nhiều người nghĩ rằng đắp mặt nạ là đã cung cấp đủ cho da dưỡng chất nên không cần dùng thêm kem. Tuy nhiên, bạn vẫn cần thoa kem dưỡng ẩm sau khi đắp mặt nạ để khóa độ ẩm, giữ lại dưỡng chất trên da, giúp da không bị khô, mất nước.

Đắp mặt nạ 1 - 2 lần mỗi tuần là đủ để da đẹp và sáng khỏe.
Đắp mặt nạ 1 – 2 lần mỗi tuần là đủ để da đẹp và sáng khỏe.

7. Đắp mặt nạ quá thường xuyên

Mặt nạ là sản phẩm chăm sóc da bổ sung, không phải món mỹ phẩm được khuyên dùng mỗi ngày. Nếu đắp mặt nạ quá thường xuyên, làn da có thể bị suy yếu, mất đi hàng rào bảo vệ tự nhiên, mất khả năng chống lại những tác động từ môi trường, dễ bị tổn thương hơn. Chuyên gia da liễu khuyên rằng chỉ nên đắp mặt nạ 1 – 2 lần mỗi tuần.

Theo Vienne (ngoisao.vnexpress) – Ảnh: T.H

Nguồn: giaitri.thoibaovhnt.com.vn | Copy Link