“Lấy cảm hứng” và “đạo nhái ý tưởng” luôn là chủ đề gây tranh cãi trong thời trang. Luật pháp hiện hành chưa bảo vệ được quyền lợi của các thương hiệu.
Trang phục thuộc thương hiệu DAPHALE của Thảo Nhi Lê được cho là giống với một thiết kế trong bộ sưu tập Thu/Đông 2022 của nhà mốt Versace. Ảnh: @thaonhile, Vogue Runway.
Thương hiệu thời trang DAPHALE của Á hậu 1 – Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022 Thảo Nhi Lê đang vướng tranh cãi đạo nhái. Nhiều sản phẩm mà hãng bày bán bị tố copy ý tưởng từ các nhà mốt hàng đầu thế giới như Valentino, Versace…
Không những vậy, một số thiết kế của người đẹp sinh năm 1994 cũng bị cho là “sao y bản chính” trang phục trên các sàn thương mại điện tử Trung Quốc.
Đơn vị của Thảo Nhi Lê chưa lên tiếng về sự việc này. Trước đây, cộng đồng mạng từng chỉ ra nhiều mẫu váy áo, phụ kiện của các local brand (thương hiệu nội địa) như Floralpunk, Eleven, Reminder cũng “na ná” sản phẩm được rao bán trên các website nước ngoài.
Chiếc váy được Hoa hậu Ngọc Châu diện của thương hiệu DAPHALE bị tố đạo nhái ý tưởng thiết kế Valentino được Hailey Bieber diện trước đó. Ảnh: @daphalestudios, @haileybieber.
Khó phân định “đạo nhái” và “lấy cảm hứng”
Copyright User, tổ chức tại Anh hỗ trợ người làm nghệ thuật tiếp cận với luật bản quyền, cho biết một sản phẩm thời trang vi phạm luật khi “toàn bộ hoặc một phần quan trọng của thiết kế” đã được sao chép. Tuy nhiên, tòa án sẽ căn cứ vào bối cảnh, trường hợp cụ thể để xét xử và kết án.
Luật bản quyền chỉ bảo vệ ý tưởng chứ không bảo trợ cách thể hiện, triển khai ý tưởng đó. Vì thế, các nhà tạo mẫu hoàn toàn có quyền lấy cảm hứng từ tác phẩm khác, song phải chứng minh được sự đầu tư chất xám, kỹ năng, sức lao động trong sản phẩm của mình.
“Sao chép là vấn đề luôn tồn tại trong lĩnh vực thời trang”, Coco Chanel từng chia sẻ.
Theo BOF, các thương hiệu cao cấp, nhà thiết kế hàng đầu trên thế giới cũng phải đối mặt với cáo buộc liên quan đến đạo nhái ý tưởng. Cụ thể, vào năm 2012, Chanel phải thu hồi hàng loạt vòng tay pha lê có mẫu mã giống với món phụ kiện được chào bán trước đó của Pamela Love.
Hoạt động mượn ý tưởng diễn ra mạnh mẽ hơn ở lĩnh vực thời trang nhanh. Nhiều doanh nghiệp như Zara, H&M đã xây dựng đế chế hàng tỷ USD để sao chép các sáng tạo trên sàn runway, bán lại với mức giá bằng một phần rất nhỏ thiết kế gốc.
Chiếc vòng của Chanel bị cho là vay mượn ý tưởng của Pamela Love. Ảnh: Gorunway.
Copycat Economy (tạm dịch: “nền kinh tế sao chép”) tạo ra tiền lệ xấu, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các doanh nghiệp thời trang.
Julie Zerbo, tổng biên tập của The Fashion Law, cho biết: “Lòng trung thành với thương hiệu đang sụt giảm mạnh mẽ.
Khách hàng bị cám dỗ bởi những sản phẩm đạo nhái giá rẻ, hợp xu hướng. Họ chỉ mặc món đồ đó trong 1-2 mùa nên không muốn chi trả số tiền lớn”.
Giảng viên Luật Thời trang Elaine Maguire O’Connor đồng tình với ý kiến này.
“Nếu người tiêu dùng nhìn thấy một mẫu váy áo tại Primark hoặc H&M, họ sẽ mua luôn bất chấp mối nghi ngờ về sự sao chép. Xu hướng mua sắm này làm giảm giá trị thương hiệu của các nhãn hàng cao cấp”.
Susan Scafidi, Giám đốc Viện Luật Thời trang thuộc Trường Luật Fordham (Mỹ), khẳng định vấn nạn đạo nhái tác động xấu đến lợi nhuận của các doanh nghiệp thời trang chân chính.
Khi Narciso Rodriguez thiết kế váy cưới cho Carolyn Bessette Kennedy vào năm 1996, nhà thiết kế này đã bán thêm được 45 chiếc váy tương tự. Tuy nhiên, một cơ sở sao chép ý tưởng đã ghi nhận 80.000 sản phẩm bán ra.
Các sáng tạo thời trang khó được bảo vệ
Tại Mỹ, bằng sáng chế thiết kế, bảo vệ mẫu mã sản phẩm là biện pháp chống lại vấn nạn đạo nhái. Trong những năm gần đây, một số thương hiệu cao cấp như Céline, Jimmy Choo và Balenciaga đã đầu tư nhiều vào các chứng từ này.
Tuy vậy, số tiền đăng ký bằng sáng chế lên đến vài nghìn USD. Quy trình xử lý được đánh giá là tương đối phức tạp với thời gian giải quyết kéo dài hơn 24 tháng.
Theo BOF, ở một số quốc gia như Mỹ và Anh, các thiết kế thời trang không nhận được sự bảo vệ tương tự như phim, tranh và tác phẩm văn học.
Quần áo, giày dép được coi là “mặt hàng chức năng”, không phải đối tượng của luật bản quyền.
Luật pháp hiện hành chỉ bảo vệ các sản phẩm thương mại có logo, tên thương hiệu rõ ràng. Đó là lý do nhiều nhà mốt sản xuất váy áo in logo lớn, dễ nhận biết, chống sao chép.
“Túi xách Birkin là một ví dụ điển hình. Khi nhìn thấy logo của nhãn hàng, các tín đồ thời trang đều biết đây là sản phẩm của Hermès”, Julie Zerbo chia sẻ.
Đối với các mẫu quần áo không có tên, biểu tượng thương hiệu, nguy cơ bị đạo nhái tăng lên đáng kể.
Một số quốc gia đã đưa ra điều luật bổ sung để bảo vệ quyền sáng chế và sở hữu của doanh nghiệp thời trang.
Tại EU, Chỉ thị về kiểu dáng và màu sắc được thực thi nhằm chống lại vấn nạn sao chép, vay mượn ý tưởng đối với các thiết kế mới trong 3-5 năm.
Nghịch lý của đạo nhái ý tưởng
Theo Christopher Sprigman, giáo sư Luật tại Đại học New York (Mỹ) và đồng tác giả cuốn Copycat Economy, có một nghịch lý rõ ràng rằng việc sao chép là động cơ thúc đẩy sự phát triển của nền công nghiệp thời trang.
Sprigman cho biết thời trang không phải dòng chảy tuyến tính mà có tính chất tuần hoàn. Các xu hướng trang phục thường chỉ gây sốt trong một khoảng thời gian ngắn. Khi bị đạo nhái, một thiết kế có khả năng trở thành trào lưu.
Được tái sản xuất bởi các thương hiệu thời trang nhanh, xuất hiện tràn lan trên thị trường, một số mẫu váy áo dần mất đi sức hút. Khách hàng bắt đầu tìm kiếm các món đồ độc đáo hơn, từ đó thúc đẩy sự bắt đầu của một chu kỳ mới.
“Những đơn vị đạo nhái ý tưởng góp phần tạo mốt, sau đó kết thúc trào lưu, mở đường cho xu hướng mới. Nếu không có sự sao chép, ngành công nghiệp thời trang sẽ lập tức suy yếu”, Christopher Sprigman lập luận.
Hơn nữa, ranh giới giữa “lấy cảm hứng” và “đạo ý tưởng” luôn mong manh. Theo trang tin iPleaders thuộc tổ chức giáo dục luật pháp LawShikho, một nhà thiết kế, thương hiệu chân chính có thể lấy ý tưởng từ các tác phẩm ra đời trước và biến nguồn cảm hứng đó thành sản phẩm mang đậm dấu ấn cá nhân.
Tuy vậy, các nhà tạo mẫu cần nhận thức rõ ràng quy trình sáng tạo của bản thân, tránh “sao y bản chính”.
“Thi sĩ non tay thì bắt chước; thi sĩ lão luyện thì ăn cắp” (T. S. Eliot) là châm ngôn được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật, bao gồm thời trang. Ý này cũng bị P. Picasso dùng lại với phát ngôn nổi tiếng của ông: “Hoạ sĩ giỏi thì sao chép, hoạ sĩ vĩ đại thì ăn cắp”.
Theo Linh Vũ (zing) – Ảnh: T.H