Các thiết bị kỹ thuật số hiện đại như máy tính bảng, laptop và đặc biệt là smartphone, đã giúp việc thông tin liên lạc trở nên quá dễ dàng, con học trời Tây mà phụ huynh bên này vẫn có thể hỏi han, chuyện trò (thấy hình, nghe tiếng) từng lúc, từng giờ…
Chính dễ dàng như vậy lại là cái “bẫy” để không ít người ngày nay than đau, mỏi ở vùng cổ bàn tay, các ngón tay, kèm theo đau mỏi vùng vai, cột sống cổ, thắt lưng…
Điện thoại thông minh ngoài việc gọi, nghe, nó còn là phương tiện giải trí, tán gẫu, và đây chính là nguyên nhân trực tiếp khiến ngón tay cái bị cảm giác đau nhức, khi gấp duỗi có tiếng kêu “lật bật” ở khớp cuối của ngón tay, đặc biệt những lúc gấp ngón tay đột ngột thì bị “mắc kẹt” luôn, không duỗi ra được. Khi đó, phải dùng tay bên kia kéo thật mạnh thì ngón tay mới duỗi thẳng lại được.
Hoặc đôi khi có cảm giác tê hai bàn tay, đặc biệt là bàn tay phải (tay thuận). Cảm giác tê thường xuất hiện khi làm việc, đánh máy hoặc cầm điện thoại lâu, cả khi ngủ ban đêm.
Lý giải về những triệu chứng này, các chuyên gia về sức khỏe xương khớp cho biết:
Do sử dụng điện thoại lâu dài với tư thế cố định, không thay đổi, nên gây tác động lớn lên dây chằng, gân cơ vùng xương cổ, vai và vùng thắt lưng, cũng như các dây chằng, gân cơ ở vùng cổ tay, bàn tay, ngón tay, từ đó gây ra một số bệnh lý như sau:
Biểu hiện bệnh lý thứ nhất là cảm giác đau nhức ở phần gốc ngón tay, khi người bệnh cử động nhiều thì cảm thấy bị mắc kẹt, không duỗi ra được (ngón tay cò súng); các ngón tay đều có thể bị như vậy, nhưng thường gặp nhất là ở ngón tay cái. Trường hợp nhẹ có thể điều trị bằng thuốc, trường hợp nặng phải phẫu thuật để giải phóng, làm rộng bao gân.
Bệnh lý thứ hai là đau ở vùng cổ tay do sử dụng smartphone với tư thế cổ tay gấp và xoay vào trong quá mức, gây kích thích viêm bao gân cổ tay, lâu dần bao gân bị hẹp lại gây ra đau và hạn chế vận động, trường hợp nặng phải phẫu thuật.
Bệnh lý thường gặp thứ ba là hội chứng ống cổ tay do cổ tay thực hiện động tác xoắn, vặn hoặc ở tư thế gập quá lâu, làm chèn ép dây thần kinh giữa ở cổ tay. Những người dùng smartphone nhiều sẽ kích thích gân bị viêm, bao gân dày lên và chèn ép dây thần kinh giữa, gây ra hội chứng ống cổ tay. Khi đó, họ có cảm giác châm chích, tê tay như kiến bò, làm việc rất khó khăn, nhiều khi phải ngưng lại không thể làm nữa. Bệnh này có thể làm suy yếu các ngón tay, teo cơ các ngón tay. Những trường hợp nặng cần phải phẫu thuật.
Smartphone tiện dụng và hết sức phổ thông trong xã hội ngày nay. Hầu như ai cũng có ít nhất một cái để sinh hoạt. Vậy làm sao sử dụng tốt phương tiện này mà không phải gặp những vấn đề nêu trên? một số gợi ý sau đây sẽ giúp mọi người tránh phải những khó chịu, những vấn đề sức khỏe có khi cần phải tìm đến bác sĩ để điều trị.
Nếu người dùng hiểu biết và điều chỉnh kịp thời thì bệnh sẽ giảm, những triệu chứng sẽ mất dần, không cần điều trị. Còn với những người không để ý, vẫn lạm dụng, nghiện smartphone thì biểu hiện bệnh sẽ ngày càng trầm trọng, kéo dài. Thế giới gọi đó là những tổn thương bởi dụng cụ thông minh, do ảnh hưởng từ những cử động lặp đi lặp lại nhiều lần, tạo nên áp lực lớn liên tục lên các khối cơ bàn tay, cổ tay, cột sống lưng… khi ngồi lâu, thao tác quá tải.Nghiên cứu cho thấy, nếu dùng smartphone một tay sẽ gây áp lực, sức ép của dây chằng nhiều hơn dùng hai tay. Người dùng có thể phân phối lực cầm, bấm điện thoại lên cả hai tay hoặc đặt điện thoại lên mặt phẳng như bàn hoặc đùi, giúp giảm áp lực lên gân cơ, dây chằng của bàn tay.
Bên cạnh đó, người dùng nên tập những bài thể dục chuyên biệt cho bàn tay dưới sự tư vấn và hướng dẫn của các bác sĩ chuyên khoa xương khớp hoặc vật lý trị liệu. Những bài tập này giúp làm khỏe gân cơ, dây chằng, ngoài điều trị còn có tác dụng phòng bệnh.
Khi có biểu hiện tê nhức bàn tay, có cảm giác kiến bò, người dùng phải đi khám bác sĩ chuyên khoa để phát hiện kịp thời . Việc điều trị sớm sẽ tránh phải can thiệp nặng nề hơn về sau.
Và tốt hơn hết, người dùng đừng lạm dụng smartphone thái quá. Nếu vì công việc phải sử dụng nhiều thì nên tăng khoảng cách thời gian giữa những lần sử dụng, khoảng 15 – 30 phút, cần phải thay đổi tư thế, nghỉ giải lao và vận động thư giãn để giảm những áp lực tiêu cực lên cơ xương khớp.