Trước đây, những người sinh năm 1900 được coi là may mắn khi có thể đón sinh nhật lần thứ 50 của họ thì ngày nay, tuổi thọ ở nhiều quốc gia đã lên tới trên 80 tuổi. Đáng tiếc là đi kèm với nó, các bệnh liên quan đến tuổi già như Alzheimer và tiểu đường lại có thể làm giảm chất lượng cuộc sống.
Khi chúng ta già đi, các tế bào não vốn có nhiệm vụ chống nhiễm trùng và tái tạo mô bắt đầu tấn công các tế bào não khỏe mạnh. Điều này là nguyên nhân gây ra viêm não hay dẫn đến giảm nhận thức và tăng nguy cơ bệnh tật. Tuy nhiên, việc áp dụng những thói quen lành mạnh có thể làm chậm và thậm chí đảo ngược quá trình này.
Mặc dù, gen cũng là một phần quyết định chất lượng của quá trình lão hóa, song thói quen sống lại được cho là quan trọng hơn yếu tố di truyền trong quá trình này. Nghiên cứu có tính bước ngoặt của MacArthur về “Lão hóa thành công” đã chứng minh trung bình, các yếu tố phi di truyền có vai trò quan trọng hơn trong việc quyết định chất lượng và tuổi thọ cuộc đời. Nghiên cứu đồng thời cũng cho thấy con người có thể kiểm soát được quá trình lão hóa tốt hơn.
Các bằng chứng khoa học thuyết phục đã giúp đưa ra một công thức cho quá trình lão hóa thành công, cụ thể là bốn thói quen lành mạnh sau.
Hoạt động thể chất
Bạn không cần phải là một vận động viên thể thao mới có thể sống lâu hơn. Thay vào đó, 20 phút đi bộ nhanh hàng ngày cũng giúp làm giảm nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ và cải thiện sức khỏe của bạn. Tập luyện tạo ra các protein kích thích các tế bào não phát triển thêm nhánh và kết nối hiệu quả hơn. Tập luyện thúc đẩy hormone endorphins, giúp cải thiện tâm trạng. Tập luyện sẽ làm cho bộ não của bạn lớn hơn, đồng nghĩa với bộ não khỏe hơn.
Các bài tập về tinh thần
Việc tham gia các trò chơi, hòa nhập với xã hội hay đi du lịch giúp kích hoạt các tế bào não. Nền giáo dục của đại học cũng có thể làm giảm nguy cơ mất trí nhớ. Ngoài ra, dù điện thoại thông minh và công nghệ thường làm chúng ta mất tập trung nhưng một số trò chơi trí não có thể giúp tăng cường sự đa nhiệm và kỹ năng giải quyết vấn đề. Cùng với đó, việc tìm kiếm trực tuyến (Searching online) có khả năng kích hoạt các mạch thần kinh hoạt động tốt hơn.
Chúng ta cũng có thể luyện tập cho não bộ bằng cách sử dụng các phương pháp ghi nhớ để bù đắp cho tính hay quên hàng ngày. Những phương pháp này có thể giúp tập trung chú ý và liên tưởng với những hình ảnh có trong tư duy để làm cho thông tin có ý nghĩa và đáng nhớ hơn.
Kiểm soát căng thẳng
Căng thẳng sẽ làm teo các trung tâm bộ nhớ của não, và hormone stress cortisol cũng làm suy yếu tạm thời trí nhớ con người. Tuy nhiên, thiền, yoga, dưỡng sinh và các phương pháp thư giãn khác có thể đảo ngược sự căng thẳng, cải thiện tâm trạng và trí nhớ. Thậm chí, thiền còn làm mới não bộ và cải thiện chiều dài của nhiễm sắc thể, giúp kéo dài tuổi thọ.
Đồng thời, dành thời gian với bạn bè và ngủ ngon giấc cũng là một cách rất hữu hiệu giúp giảm căng thẳng.
Chế độ ăn uống lành mạnh
Béo phì tuổi trung niên làm tăng nguy cơ mất trí nhớ về sau, nhưng kiểm soát khẩu phần ăn và tập thể dục có thể giúp chúng ta tránh được béo phì. Những người đã giảm cân có thể cải thiện trí nhớ lâu dài chỉ sau 12 tuần. Chất béo omega-3 từ cá hoặc các loại hạt có khả năng chống viêm và chống thoái hóa thần kinh. Trái cây và các loại rau làm tránh mất cân bằng oxi hóa do tuổi tác gây tổn thương các tế bào não.
Chúng ta cũng có thể bảo vệ bộ não của mình bằng việc tránh ăn các đồ ăn làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường như khoai tây chiên giòn, bánh quy và các loại thực phẩm chế biến khác. Nhóm đồ ăn này có thể làm tăng gấp đôi nguy cơ mất trí nhớ. Ngoài ra, một số nghiên cứu đã cho thấy rằng uống rượu và cà phê một cách điều độ giúp mang lại một não bộ khỏe mạnh.