1. Giới hạn hấp thu muối
Hấp thu quá nhiều muối có thể gây huyết áp cao – tác nhân rủi ro chính gây đột quỵ và bệnh tim mạch. Việc tránh nạp quá nhiều sản phẩm có muối như đồ ăn chế biến sẵn, nước chấm, súp, thịt xông khói… có thể giúp giảm mức hấp thu muối xuống còn 6 – 8 gr mỗi ngày. Nếu bữa ăn của bạn đã bao gồm một lát thịt giăm bông, thịt lợn muối hay xúc xích xông khói, hãy thử đổi phô mai cứng bằng phô mai mềm hoặc sữa chua xem sao. Việc duy trì mức đề nghị 5 gr muối mỗi ngày sẽ bao gồm phân phối lượng hấp thu như sau: 1 phần bánh mì (1,5 – 2 gr muối), 1 phần phô mai (1 gr), bữa ăn trưa (1 gr), bữa ăn tối (1 gr).
2. Bỏ hút thuốc
Hút thuốc có thể làm tăng gấp đôi rủi ro đột quỵ. Để từ bỏ hoàn toàn thói quen này, sự hỗ trợ y khoa chuyên nghiệp, bao gồm liệu pháp hành vi nhận thức cùng sự hậu thuẫn của gia đình, người thân và bạn bè sẽ tối đa hóa cơ may thành công. Yoga, tập thể dục và thư giãn là những biện pháp được khuyến nghị nhằm xử lý những tác dụng phụ liên quan đến tâm trạng (chẳng hạn dễ cáu gắt, trầm cảm) vốn thường xuất hiện khoảng 3 tuần sau khi bỏ thuốc.
3. Kiểm soát cholesterol
Theo dõi sức khỏe động mạch bằng cách kiểm tra mức cholesterol “xấu” (LDL) trong máu. Theo các chuyên gia, điều này nên được kiểm tra 5 năm/lần. LDL là một tác nhân rủi ro gây bệnh tim và mức LDL không nên để vượt quá 1,6 gr/l. Việc tăng cường mức hấp thu rau và trái cây (3 – 4 phần mỗi ngày) và các loại cá nhiều dầu như cá hồi, cá ngừ, cá mòi…, vốn là nguồn cung cấp a xít béo omega-3 thiết yếu, giúp xử lý tình trạng béo phì hoặc thừa cân.
4. Đi bộ 30 phút mỗi ngày
Thường xuyên đi bộ đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc ngăn ngừa đột quỵ. Lên xuống cầu thang, đi bộ, đạp xe và bơi lội đều có thể giúp bạn giữ gìn vóc dáng, đồng thời đẩy lùi nguy cơ đột quỵ. Theo một nghiên cứu được công bố trên chuyên san Circulation năm 2015, việc đi bộ, làm vườn hoặc đạp xe 2 – 3 lần mỗi tuần nằm trong số những hoạt động có lợi nhất cho sức khỏe của những người trên 50 tuổi.
5. Duy trì kết nối xã hội
Các nghiên cứu khoa học trước đây đã chứng minh trạng thái cô độc không tốt cho tim hoặc động mạch. Năm 2016, các chuyên gia của Đại học York (Anh) ghi nhận tình trạng “một cõi đi về” hoặc bị cách ly về mặt xã hội có rủi ro bị bệnh tim mạch vành tăng 29% và rủi ro đột quỵ tăng 32%. Nhìn chung, việc xử lý hiệu quả stress và những thử thách trong cuộc sống cùng quan hệ xã hội sâu sắc có thể giúp bảo vệ tim bạn trước mọi biến cố có hại.