Thói quen đi dép xỏ ngón trong thời gian dài có thể làm đau gót, gây ra ngón chân hình búa, đau lưng, dẫn đến bong cổ chân hoặc bong gân mắt cá chân.
1. Có thể bị đau gót chân
Alex Kor, bác sĩ chuyên khoa chân tại Dịch vụ Y tế Witham và trợ lý giáo sư lâm sàng của khoa Y học nắn xương, Đại học Marian, nói nếu đi dép xỏ ngón mỗi ngày, bạn có thể bắt đầu hoặc làm trầm trọng thêm cơn đau gót chân. Điều này thường xảy ra vì dép xỏ ngón có thiết kế mỏng manh.
“Hầu hết dép xỏ ngón không mang đến bất cứ hỗ trợ nào cho phần cân gan chân”, Kor nói. Cân gan chân là dải cơ bám từ chỏm xương bàn chân đến gót, giúp cho bàn chân có độ nhún đồng thời cũng duy trì được độ cong sinh lý của bàn chân.
Theo Temple Health, nếu không có đủ sự hỗ trợ, hấp thụ sốc hoặc đệm, gánh nặng của mỗi bước đi (hay còn gọi là trọng lượng cơ thể của bạn) sẽ dồn lên gót chân của bạn. Theo Tiến sĩ Kor, đi dép xỏ ngón quá thường xuyên có thể góp phần gây ra các vấn đề về chân như viêm cân gan chân hay viêm gân Achilles: (một chấn thương do hoạt động quá mức của gân Achilles, dải mô kéo dài từ cơ bắp chân đến xương gót chân).
2. Có thể bị ngón chân hình búa
Thỉnh thoảng mới sử dụng dép xỏ ngón sẽ không khiến ngón chân thẳng bị vẹo. “Tuy nhiên, đi dép xỏ ngón thường xuyên trong nhiều năm cuối cùng có thể khiến một số kiểu bàn chân nhất định hình thành ngón chân hình búa”, Kor nói.
Ngón chân hình búa là khi ngón chân của bạn bị uốn cong ở khớp giữa, gây biến dạng và đau đớn. Các triệu chứng khác của ngón chân hình búa bao gồm sưng hoặc đỏ, không thể duỗi thẳng ngón chân, đi lại khó khăn, có vết sần hoặc chai trên đầu khớp giữa của ngón chân.
Đặc biệt, dép xỏ ngón có thể góp phần gây ra tình trạng ngón chân hình búa vì các ngón chân của bạn phải “bám chặt” vào dép để giữ nó không tuột ra khỏi bàn chân. Điều này có thể dẫn đến tình trạng co cứng vĩnh viễn, Tiến sĩ Kor nói.
3. Có thể làm tồi tệ hơn các vấn đề vòm chân
Nếu có bất kỳ vấn đề nào về vòm bàn chân, như bàn chân bẹt hoặc đau vòm bàn chân, việc đi dép xỏ ngón nhiều có thể sẽ khiến chúng trở nên trầm trọng hơn.
“Việc bạn lựa chọn dép xỏ ngón có thể khiến giải phẫu bàn chân của bạn xấu đi theo năm tháng”, tiến sĩ Kor nói.
Nguyên nhân của tình trạng này nằm ở cấu trúc thường mỏng manh của dép xỏ ngón, đặc biệt là ở khu vực giữa bàn chân. “Bất kỳ sự thiếu hỗ trợ nào trong dép có thể dẫn đến tình trạng bàn chân bẹt của một người tiến triển và có thể góp phần hoặc gây đau vòm chân. Ví dụ, ngay cả bàn chân bẹt nhẹ cũng có thể tiến triển thành bàn chân bẹt trung bình hoặc nặng sau nhiều năm thường xuyên đi dép xỏ ngón”, ông nói.
4. Có thể bị đau lưng
Tiến sĩ Kor nói: “Đi dép xỏ ngón thường không phải là nguyên nhân chính gây đau lưng, nhưng chắc chắn nó có thể góp phần gây ra bệnh này”.
Theo ông, việc thiếu hỗ trợ của giày đặc biệt sẽ gây ra vấn đề nếu bạn là người tiếp đất và lật quá sâu vào trong (thường xảy ra ở người có bàn chân bẹt), do nó có thể làm trầm trọng thêm cơ chế sinh học bất thường của bàn chân này.
Khi phần còn lại của cơ thể bạn phải làm việc nhiều hơn, nó có thể tạo ra hiệu ứng domino gây đau chân, mà cuối cùng bạn có thể cảm nhận cơn đau này ở lưng.
5. Có nhiều khả năng bị nhiễm trùng ở chân
Khi thường xuyên đi dép xỏ ngón, đôi chân trần của bạn sẽ tiếp xúc với một số mầm bệnh – chẳng hạn như nấm.
Tiến sĩ Kor nói: “Dép xỏ ngón có thể là nơi trú ngụ của nấm chân. Nguyên nhân là do chúng cung cấp rất ít sự bảo vệ khỏi các vi khuẩn gây hại có thể tồn tại trên sàn nhà. Sau đó, bàn chân của bạn có nhiều khả năng tiếp xúc với những thứ như nấm, có thể gây nhiễm trùng da hoặc móng tay của bạn”.
Tỷ lệ nhiễm trùng chân chỉ tăng lên nếu dép xỏ ngón của bạn bị bẩn. Tiến sĩ Kor nói: “Nếu dép xỏ ngón không được làm sạch thường xuyên, chúng có thể chứa hơi ẩm và nấm. Tồi tệ hơn, chất liệu của dép xỏ ngón được làm từ cao su hoặc nhựa không hút ẩm tốt”.
6. Có thể nổi mụn nước
Bất cứ ai từng đi dép xỏ ngón đều cũng từng thấy đau nhói ở ngón chân cái vào lúc này hay lúc khác. Nguyên nhân là do các hoạt động cọ xát giữa chân và dép.
“Phần dây xuất hiện giữa ngón chân cái và ngón chân thứ hai có thể gây ma sát, dẫn đến phồng rộp”, Kor nói.
Nếu vết phồng rộp vỡ ra, vùng da hở trở thành lối vào dễ dàng của vi trùng, có thể dễ bị nhiễm vi khuẩn hoặc nấm hơn.
7. Ảnh hưởng tư thế
Việc sử dụng dép xỏ ngón thường xuyên không chỉ làm trầm trọng thêm các vấn đề về lưng mà còn có thể ảnh hưởng đến tư thế của bạn.
Tiến sĩ Kor nói: “Không còn nghi ngờ gì nữa, việc đi dép xỏ ngón trong thời gian dài và đi bộ đường dài có thể ảnh hưởng xấu đến tư thế. Nguyên nhân vì khi đi dép xỏ ngón, cách chúng ta đi thường xuyên thay đổi. Nếu không có sự hỗ trợ của một chiếc giày chắc chắn, chúng ta sẽ phải lê bước chân. Và để giữ cho giày không bung ra, các cơ ở bàn chân và ngón chân phải ở tư thế “kẹp chặt”, tạo dáng đi bất thường, có thể dẫn đến các vấn đề về tư thế”.
8. Có thể bị đau cổ chân
Tiến sĩ Kor nói: “Một vấn đề khác với dép xỏ ngón truyền thống là chúng tạo quá nhiều áp lực lên phần trên của bàn chân và điều này có thể gây ra chứng đau cổ chân”.
Đau cổ chân xảy ra khi phần ụ ngón chân bị đau và viêm. Theo Mayo Clinic, các dấu hiệu của chứng đau cổ chân có thể bao gồm: Đau nhói, đau hoặc rát ở mu bàn chân; đau trầm trọng hơn khi đứng, chạy, uốn cong bàn chân hoặc đi bộ, đặc biệt là đi chân trần trên bề mặt cứng; đau nhói, tê hoặc ngứa ran ở ngón chân; cảm giác có một viên sỏi trong giày của bạn.
Trong một số trường hợp, việc mang giày dép như dép xỏ ngón – không có đế hấp thụ sốc và hỗ trợ vòm – thậm chí có thể dẫn đến gãy xương cổ chân do căng thẳng.
9. Có thể bị bong gân mắt cá chân
“Mắt cá chân của bạn có cảm thấy hơi lung lay khi đi dép xỏ ngón không? Đó là bởi vì dép xỏ ngón không hỗ trợ mắt cá chân”, tiến sĩ Kor nói.
Theo Kor, mắt cá chân có thể dễ dàng bị trẹo nếu bạn bước nhầm hoặc giẫm phải đá (thậm chí là một viên sỏi nhỏ). Tỷ lệ chấn thương mắt cá chân cũng cao hơn nếu bạn có tiền sử bong gân mắt cá chân hoặc “mắt cá chân yếu”.
Đó là lý do tại sao nếu bạn đã hoặc đã bị chấn thương mắt cá chân, Tiến sĩ Kor khuyên bạn nên đeo nẹp mắt cá chân khi đi dép xỏ ngón để tránh bị thương thêm.
Theo Hướng Dương (ngoisao.vnexpress) – Ảnh: T.H