Hai bạn trẻ đang là sinh viên của một trường đại học tại TP.HCM vội vàng vào phòng khám nam khoa vì bỗng nhiên ‘cậu nhỏ’ của bạn trai lại chảy máu.
Theo bạn trai nói, hai người có quan hệ tình dục từ vài tháng trước và lần đầu tiên bạn trai thấy mình bị chảy máu ở ‘cậu nhỏ’. Nghĩ đó là ‘mất trinh’ nên họ không đi khám mà còn cảm thấy phấn khích vì kỷ niệm lần đầu khó quên.
Những lần âu yếm sau đều không có tai nạn nào xảy ra. Chỉ tới gần đây nhất khi đang quan hệ tình dục, bạn nam bất ngờ thấy có máu và đau ở ‘cậu nhỏ’.
Dù dừng cuộc yêu nhưng máu từ dương vật vẫn chảy ra. Cả hai vội vàng băng bó lại rồi nhanh chóng tới gặp bác sĩ.
trên bác sĩ phải phẫu thuật khâu lại dây thắng bị đứt. Hai bạn đều ‘mắt chữ a, mồm chữ o’ kể lại cho bác sĩ nghe lần đầu cũng chảy máu nhưng coi là ‘mất trinh’. Bác sĩ tư vấn lại, lần một là đứt sau đó tự liền còn lần này là đứt thật.
Theo bác sĩ Tâm, khi khám bệnh nam khoa anh cũng gặp nhiều câu chuyện dở khóc, dở cười về chuyện chảy máu khi làm ‘chuyện ấy’ ở nam giới.
Từ trước tới nay người ta thường để ý tới trinh tiết hay gọi là ‘ngàn vàng’ của nữ giới hơn chứ không ai để ý trinh tiết của nam giới. Nhưng khi thấy hiện tượng chảy máu lần đầu ở nam giới lại khiến nhiều người thấy lạ và cũng nghĩ là ‘mất trinh’.
BS Tâm cho rằng ‘cậu nhỏ’ chảy máu khi ân ái không phải là nam giới bị mất trinh mà nó là một bệnh lý. Bất cứ nam giới nào cũng có khả năng xảy ra vấn đề này.
Người trẻ từ 18- 35 tuổi dễ bị hơn do người trẻ hoạt động tình dục nhiều, xu hướng mạnh bạo và sự am hiểu về bệnh lý cơ quan sinh dục chưa nhiều.
Khi làm chuyện ấy lần đầu có chảy máu, nam giới không nên nghĩ đó là mất trinh mà ở nhà để tự khỏi. Thực tế, khi chảy máu ‘cậu nhỏ’ không phải ở lần đầu tiên hay lần thứ N, nó có thể xảy ra ở bất cứ lần nào.
BS Tâm đã gặp trường hợp nam giới đến khám với tư thế tự nhiên, từ tốn coi rằng chuyện ‘mất trinh’ là bình thường nhưng cũng có cặp đôi vào khám, cả hai đều mặt mũi tái mét vì bạn trai có chảy máu ở cậu nhỏ.
Các nguyên nhân gây chảy máu ở cơ quan sinh dục sau quan hệ:
Thứ nhất: Rách da quy đầu có thể do bệnh lý bao quy đầu, bán hẹp bao quy đầu. Bình thường ‘cậu nhỏ’ xìu được nhưng cương lên thì khó thụt bao quy đầu hơn do vòng siết bao quy đầu không đủ rộng thì sẽ rách da và chảy máu. Bất thường da bao quy đầu thường do bẩm sinh.
Thứ hai: Đứt dây hãm hay dây thắng dương vật nằm ở mặt dưới cậu nhỏ. Nó là dây hãm thì người bình thường có động tác quan hệ mạnh bạo, độ trơn không được tốt thì có thể đứt rách dây hãm gây chảy máu. Hoặc do dây thắng ngắn thì có thể quan hệ bình thường cũng rách dây thắng. Bệnh lý dây thắng là do bất thường bẩm sinh.
Thứ ba: Hoạt động quan hệ tình dục là có độ ma sát cao nên phải có dịch tiết để bôi trơn, giảm đi độ ma sát đó. Nếu sự tiết dịch giảm, người phụ nữ chưa được thoải mái hoặc nam giới có sẵn viêm bao quy đầu thì sự ma sát cao sẽ làm bong tróc da và chảy máu ở ‘cậu nhỏ’.
Viêm bao quy đầu có thể do nấm, do vi khuẩn. Người bệnh thấy sưng nóng, đỏ, đau nên vùng da dễ tổn thương hơn.
Một số trường hợp bị thứ phát đó là trước đó bạn đứt dây hãm hoặc rách da bao quy đầu nhưng nhẹ nên lướt qua. Da đã rách, chảy máu tạo thành vết thương, mô xơ, mô sẹo làm giảm đi sự đàn hồi, không đủ sự căng giãn để chịu được động tác khi quan hệ. Trong lần ân ái khác lại tiếp tục đứt rách và lần sau bao giờ cũng nặng hơn lần trước.
‘Vì vậy, khi bạn nam có các bệnh lý ở bao quy đầu thì nên cẩn trọng khi ân ái. Nếu cậu nhỏ bị chảy máu nên tới gặp bác sĩ thay vì nghĩ đó là điều bình thường’, BS Tâm khuyến cáo.