Có một câu nói phổ biến rằng “Những ấn tượng đầu tiên thường kéo dài mãi mãi” và cho dù bạn có nhận ra điều này hay không thì giọng nói vẫn luôn có tác động rất lớn tới ấn tượng của bạn khi giao tiếp với người khác.
Giọng điệu thể hiện sự tôn trọng, tự tin, nhưng cũng đồng thời biểu lộ cảm xúc và sự chào đón của bạn với người đối diện. Nếu chất giọng yếu ớt, nhịp thở không đều thì đối phương có thể sẽ nghĩ rằng bạn không hào hứng. Tuy nhiên, rất may là điều này có thể cải thiện bằng cách luyện tập một số phương pháp đơn giản.
Tại sao lại cần điều chỉnh giọng nói khi giao tiếp?
Bạn có cảm thấy khó chịu khi trò chuyện với một người có giọng nói gắt gỏng, điệu đà, không dứt khoát hay nói quá to không?
Giọng nói hay và cuốn hút không còn là một tiêu chuẩn dành cho những nhà hùng biện, diễn giả hay ca sĩ opera nữa mà giờ đây, nó đã trở thành mong muốn của rất nhiều người.
Thậm chí, một giọng nói truyền cảm sẽ giúp mỗi người nhanh chóng mở rộng mối quan hệ, “ăn điểm” trước nhà tuyển dụng, khách hàng, đối tác và tạo nền tảng cho những bước đột phá trong sự nghiệp.
Nhiều nhà khoa học cũng đã đưa ra các bằng chứng về việc áp dụng một số kiểu giọng nói nhất định sẽ giúp mỗi người có được công việc suôn sẻ hơn và luôn nằm trong danh sách được đề bạt lên vị trí mới.
Điều tuyệt vời của những người có giọng nói trầm
Tổng thống Mỹ Barack Obama chính là minh chứng điển hình cho một nghiên cứu được thực hiện cách đây không lâu với kết luận rằng những ứng cử viên chính trị có giọng nói trầm hơn có nhiều khả năng sẽ giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử ở Mỹ.
Người sở hữu giọng nói trầm được gán với sự mạnh mẽ, bình tĩnh và có năng lực. Đàn ông và phụ nữ có giọng nó trầm thường có hormone testosterone cao hơn bình thường nên họ tạo được ấn tượng về sự mạnh mẽ và tích cực. Đặc biệt, đối với phụ nữ, đàn ông có chất giọng trầm thường rất “sexy” và cuốn hút.
Ngoài ra, một nghiên cứu khác cũng cho thấy những CEO nam có giọng nói trầm thường được tham gia quản lý doanh nghiệp lớn hơn và kiếm được nhiều tiền hơn.
Theo đó, độ cao trong giọng nói của một CEO cứ giảm 1% thì giá trị công ty của anh ta tăng 30 triệu USD. Tuy nhiên, chiều ngược lại, việc sở hữu một chất giọng trầm chắc chắn sẽ trở thành CEO thì vẫn chưa được chứng thực.
Lên giọng cuối câu bị coi là thiếu tự tin
Nếu trong các câu chuyện, cuộc họp hoặc một buổi trình bày vấn đề, bạn thường hay lên giọng cuối câu thì có khả năng bạn sẽ bị đánh giá là thiếu chuyên nghiệp.
Theo Susan Sankin – một HLV giọng nói chuyên nghiệp nhận định rằng việc lên cao giọng khiến bạn trông thiếu bình tĩnh, thiếu quyết đoán và kém tự tin trong công việc. Hơn nữa, nó còn dễ làm mọi người xao nhãng nội dung bạn muốn truyền tải.
Trong khi đó, một nghiên cứu của nhà xuất bản nước Anh Pearson cho thấy phần lớn các ông chủ tin rằng “Việc lên cao giọng cản trở triển vọng thăng tiến cũng như mức tăng lương”.
Người nói năng rề rà, thiếu dứt khoát thường khó xin việc
“Vocal fry” là thuật ngữ chỉ việc rung dây thanh âm khi nói, tạo ra âm thanh chậm chạp và gây khó chịu. Một nghiên cứu vào năm 2014 cho thấy, những người rơi vào tình trạng này bị coi là không tạo được sự tin cậy và khó xin việc hơn những người nói giọng bình thường.
Đàn ông nói giọng cao có thể đang căng thẳng
Trong một nghiên cứu, các nhà khoa học ghi âm ý kiến của một số sinh viên nam chưa tốt nghiệp về chỉ tiêu tuyển sinh đại học và những gì họ sẽ làm nếu được thừa hưởng một khoản tiền lớn. Sau đó, họ chỉnh sửa một số bản ghi âm để độ cao của giọng nói cao hoặc thấp hơn 20%.
Kết quả cho thấy đàn ông và phụ nữ nghe các bản ghi âm đánh giá người nói giọng cao hơn là đang lo lắng, thiếu trung thực và ít quyết đoán hơn so với người có giọng trầm.
Cải thiện giọng nói như thế nào?
Lấy hơi từ bụng
Để có được một giọng nói trơn tru, mạnh mẽ và tự nhiên, trước hết bạn cần phải tìm hiểu kỹ thuật thở đúng. Việc thở từ ngực là sai lầm, thay vì thế, hãy tập thở từ bụng.
Làm thế nào để biết mình đang thở từ ngực? Rất đơn giản, nếu bạn thở bằng cách này thì khi thở, hai vai sẽ nhô lên (khi hít vào) và hạ xuống (khi thở ra), kể cả ngực cũng như vậy.
Bạn có thể tập thở từ bụng như sau: Khi hít vào thì cùng lúc cố dồn khí xuống vùng bụng. Lúc này, ngực và bụng đều căng nhưng ngực căng nhiều hơn. Giữ như vậy trong vòng 4 giây, sau đó, thở ra và kiên trì tập luyện 5 phút mỗi ngày. Sau khoảng 30 ngày, bạn sẽ thấy sự thay đổi rõ rệt.
Phát âm rõ ràng
Tập đọc to, rõ ràng mỗi ngày khoảng 10 trang sách. Hãy đọc thật kỹ từng chữ cho đến khi bạn cảm thấy tự tin và trong những cuộc trò chuyện bình thường, bạn cũng duy trì được việc phát âm đúng như vậy.
Nói với âm lượng vừa đủ
Như trên đã đề cập, việc nói với âm lượng quá to có thể khiến người đối diện khó chịu và cảm thấy như đang bị “tấn công”. Do vậy, hãy luyện tập điều này bằng cách ghi âm giọng nói của mình hoặc nhờ người khác (có thể là gia đình, bạn thân) kiểm tra thử.
Điều chỉnh tốc độ nói
Duy trì tiết tấu đều đều từ đầu đến cuối, đặc biệt là trong các bài thuyết trình sẽ khiến người nghe dễ cảm thấy buồn ngủ, thậm chí, không đủ kiên trì để lắng nghe tiếp.
Chính vì vậy, bạn nên điều chỉnh sao cho có lúc chậm, lúc nhanh, đồng thời tối ưu hóa các điểm dừng (tạm dừng việc nói) để người nghe “hấp thụ” những gì bạn đã nói, suy nghĩ và tạo cơ hội cho bạn nghĩ đến các ý tưởng tiếp theo.