Rau mùi hay còn gọi là ngò, ngò rí, hồ tuy, mùi tui, mùi ta, ngổ, ngổ thơm, nguyên tuy, hương tuy, là loài cây thân thảo sống hằng năm thuộc họ Hoa tán (Apiaceae), có nguồn gốc bản địa từ Tây Nam Á về phía tây đến tận châu Phi.
Rau mùi cao khoảng 30–50 cm, thân nhẵn, phía trên phân nhánh. Lá ở gốc có cuống dài, có 1 đến 3 lá chét, lá chét hình hơi tròn, xẻ thành 3 thuỳ có khía răng to và tròn; những lá phía trên có lá chét chia thành những thùy hình sợi nhỏ và nhọn. Hoa trắng hay hơi hồng, hợp thành tán gồm 3-5 gọng, không có tổng bao; tiểu bao gồm 2-3 lá chét đính ở một phía. Quả bế đôi hình cầu, nhẵn, dài 2 – 4 mm, gồm hai nửa (phân liệt quả), mỗi nửa có bốn sống thẳng và hai sống chung cho cả hai nửa.
Theo sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS. Đỗ Tất Lợi, cả rễ, lá và quả mùi đều là vị thuốc chữa bệnh vì có chứa tinh dầu, trong đó quả chín phơi hay sấy khô của cây mùi là bộ phận dùng làm thuốc chủ yếu. Thu hái khi quả chín, phơi hoặc sấy khô để dùng dần, khi khô, quả mùi mất mùi hôi trở nên thơm dễ chịu.
Quả mùi là vị thuốc chữa bệnh trong Đông và Tây y. Tây y dùng quả mùi làm thuốc trung tiện, kích thích tiêu hóa, dùng trong công nghiệp sản xuất nước hoa, làm hương liệu cho chè và rượu mùi.
Tác dụng khi tắm bằng nước rau mùi
Trong nhiều phong tục người Việt vẫn làm mỗi dịp Tết Nguyên Đán, tắm nước lá mùi già vào ngày tất niên được cho là nét đẹp văn hóa vẫn được nhiều gia đình duy trì đến nay.
Theo đó, những bậc cao niên, ông bà trong gia đình thường nhắc con cháu mua lá mùi già về nấu nước để tắm vào ngày 29 hay 30 tháng Chạp.
Nhưng bạn có thắc mắc rằng, phong tục này hàm chứa ý nghĩa gì không, tại sao lại là lá mùi già mà không phải loại lá nào khác. Hãy cùng đi tìm lời giải ngay sau đây.
Theo quan niệm của người xưa, việc tắm lá mùi già vào ngày cuối năm là để xua tan những chuyện không vui, những bụi trần vướng bận trong suốt một năm qua, từ đó sẵn sàng đón nhận niềm vui trong năm mới.
Cây mùi được chọn để nấu nước tắm phải là loại mùi già đã trổ hoa, kết trái, thân cây đã chuyển từ màu xanh sang nâu tía và khi đun lên, cho mùi thơm ngan ngát, cay cay, rất riêng biệt.
Có lẽ bởi vậy mà hương thơm của lá mùi già đọng lại rất lâu. Tắm xong, cả nhà vẫn phảng phất hương đến vài ba ngày Tết.
Bên cạnh đó, hương của lá cây mùi tạo cho ta cảm giác tinh khiết, nhẹ nhàng vô cùng dễ chịu. Nhiều người lý giải rằng, lý do là bởi lá mùi có vị cay, tính ấm, có tác dụng lưu thông khí huyết, giải tỏa căng thẳng thần kinh phục hồi sức khỏe.
Ngoài ra, rau mùi còn giúp ích nhiều cho những người bị suy nhược thần kinh, trầm cảm, đau nhức nửa đầu, căng thẳng. Rau mùi giúp giảm đau trong chứng phong thấp, thấp khớp, làm dịu cơn co rút cơ và cũng được dùng chữa trị cảm.
Những điều lưu ý khi tắm lá mùi
Những người đang mắc bệnh liên quan đến da như viêm da cơ địa, da trầy xước, bong tróc da, nhiễm trùng da… không nên tắm các loại nước lá nói chung và lá mùi nói riêng.
Tuy nhiên, trong thời gian qua nhiều cha mẹ nghĩ tắm lá mùi sẽ trị và phòng được bệnh sởi, đây là điều sai lầm chưa có bằng chứng khoa học. Vì vậy trong thời gian này khi bệnh sởi đang có dấu hiệu bùng phát trong dịp Tết, các mẹ không nên tắm cho những trẻ đã mắc bệnh sởi khi đang bị sốt, ủ bệnh sởi hay khi trẻ đã mọc ban và thậm chí là ngay khi sởi vừa bay.
Việc sử dụng hạt hoặc lá mùi để tắm cho trẻ bị sởi cần được hết sức lưu ý vì một số trẻ cơ địa nhạy cảm, việc làm này vô tình sẽ khiến trẻ mắc thêm bệnh dị ứng.
Theo khuyến cáo các bác sĩ Đông y Trước khi tắm lá mùi hay bất cứ loại lá nào, cần tham khảo ý kiến bác sĩ có chuyên môn. Không tắm khi vừa ăn no vì làm mạch máu căng lên, dễ dẫn đến thiếu máu ở khoang bụng, ở tim, dẫn đến tiêu hóa kém, chóng mặt, tim đập nhanh.
Không nên tắm nước lá mùi quá đặc và có thể pha loãng chúng ra bằng cách hòa thêm nước nóng lạnh để tắm được thoải mái hơn.
Trước khi sử dụng lá mùi tắm chúng ta cần rửa sạch lá đun sôi để tránh nhiễm khuẩn.