Mới đây, BV Thanh Nhàn, Hà Nội tiếp nhận bệnh nhân nữ Trần Thị A., 31 tuổi ở quận Hai Bà Trưng trong tình trạng đau đỉnh đầu phải, buồn nôn, hoa mắt chóng mặt nhiều.
Kết quả chụp mạch máu não (DSA) cho thấy, bệnh nhân bị dị dạng mạch máu não. Ngay lập tức, bác sĩ chỉ định can thiệp túi phình động mạch não. Bệnh nhân hiện đã qua cơn nguy kịch, sức khoẻ ổn định.
Trước đó, BV Trưng Vương, TP.HCM tiếp nhận bệnh nhân Đỗ Viết H. (17 tuổi, Bình Chánh, TP.HCM) đột nhiên ngã quỵ khi đang tập thể hình gần nhà. Sau khi được sơ cứu, H. vẫn tiếp nôn suốt đêm, đau đầu nhiều.
Khi đưa vào BV kiểm tra, bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị đột quỵ do xuất huyết não, dị dạng mạch máu não, dị dạng thông động tĩnh mạch, nguy cơ tử vong cao nếu không được điều trị kịp thời.
Bệnh nhân sau đó được can thiệp nội mạch, phương pháp tiên tiến nhất trong điều trị đột quỵ và tiếp tục được can thiệp xạ phẫu gamma knife sau vài tuần.
Nguyên nhân gây đột quỵ ở người trẻ
Dị dạng mạch máu não là bệnh bẩm sinh, do kết nối bất thường giữa động mạch và tĩnh mạch. Khoảng 0,14% dân số mắc căn bệnh này, khoảng 2/3 số trường hợp mắc bệnh này sẽ bị đột quỵ trước tuổi 40.
Dị dạng mạch máu não thường phát triển từ tuần thứ 4-8 của thai kỳ. Đến nay, nguyên nhân gây bệnh vẫn còn nhiều tranh cãi, có thể do di truyền và hoạt động kích thích sinh mạch.
BS Bùi Long, Trưởng khoa Can thiệp tim mạch, BV Hữu Nghị Việt Xô cho biết, có 2 loại dị dạng mạch máu não là phình động mạch não và dị dạng thông động tĩnh mạch (AVM).
Dị dạng thông động tĩnh mạch máu não do động mạch và tĩnh mạch nối thông với nhau mà không đi qua các mao mạch, không cung cấp đủ máu cho nhu mô não. Các dị dạng mạch máu này khi vỡ gây chảy máu não (đột quỵ xuất huyết não). Khoảng 50% bệnh nhân dị dạng mạch máu não có xuất huyết não.
Phình động mạch não là tình trạng phình giãn của động mạch não ở các vị trí khác nhau như động mạch cảnh trong, động mạch não giữa, não trước, động mạch thông trước, thông sau, thân nền… Tuỳ vị trí và kích thước túi phình mà nguy cơ vỡ khác nhau. 90% các trường hợp vỡ phình động mạch não sẽ gây hôn mê và có thể tử vong.
Dị dạng mạch máu não cũng là nguyên nhân thứ hai gây xuất huyết dưới nhện sau phình động mạch não, chiếm 10% các trường hợp xuất huyết dưới nhện.
Dị dạng này là nguyên nhân gây xuất huyết não chủ yếu ở người trẻ và trẻ em với nguy cơ xuất huyết hàng năm là 2 – 4%. Tỉ lệ tử vong do xuất huyết là 10% và di chứng thần kinh là 30 – 50%. Biểu hiện lâm sàng thường là xuất huyết (50%), co giật, yếu liệt, hôn mê…
Giai đoạn sớm ít triệu chứng
Hầu hết bệnh nhân dị dạng mạch máu não không có triệu chứng, thường bệnh chỉ được phát hiện tình cờ khi đang điều trị một bệnh lý không liên quan.
BS Phạm Quang Phúc, Trưởng khoa Ngoại Thần kinh, BV Thanh Nhàn cho biết, trước khi vỡ mạch máu, bệnh nhân sẽ có triệu chứng đau đầu mạn tính, điều trị nội khoa không khỏi, có thể xuất hiện co giật, những cơn động kinh. Trường hợp dị dạng lớn gây chèn ép não, bệnh nhân có thể bị liệt tay, chân.
Ở giai đoạn vỡ mạch máu, bệnh nhân bị đột quỵ do chảy máu não với các triệu chứng: Đau đầu dữ dội, huyết áp tăng, buồn nôn/ nôn, liệt nửa người, loạn ngôn hoặc không nói được, nhiều trường hợp ý thức bình thường hoặc mơ màng, cũng có thể bị hôn mê…
Do đó BS Phúc khuyến cáo, nếu người bình thường đang khỏe mạnh nhưng đột nhiên bị đau đầu dữ dội, bất ngờ lên cơn động kinh hoặc co giật toàn thân hoặc có các triệu chứng giống như đột quỵ cần đến bệnh viện kiểm tra ngay vì đó có thể là dấu hiệu của bệnh dị dạng mạch máu não.
Hiện nay, để chẩn đoán dị dạng mạch máu não có thể kết hợp hình ảnh cộng hưởng từ (MRI) và chụp mạch.
Việc điều trị phụ thuộc vào kích thước, vị trí của búi dị dạng và tình trạng của động mạch nuôi và tĩnh mạch dẫn lưu. Đặc biệt để điều trị bệnh lý này đòi hỏi phải có hình ảnh của chụp mạch máu não (DSA) trước phẫu thuật.
Mục tiêu của điều trị dị dạng mạch máu não là dự phòng xuất huyết do vỡ và tái vỡ với 3 phương pháp chính: Can thiệp nội mạch làm tắc búi dị dạng, phẫu thuật mở truyền thống lấy dị dạng và xạ phẫu Gamma Knife.