“Hóa chất vĩnh cửu” độc hại có trong một số loại mỹ phẩm, chất chống thấm, hộp đựng thức ăn có thể tác động đáng kể đến khả năng sinh sản của phụ nữ trên toàn thế giới.

“Hóa chất vĩnh cửu” có liên quan đến tăng nguy cơ ung thư thận và tinh hoàn, đồng thời gây tổn hại cho hệ thống miễn dịch. Ảnh: Shutterstock.

“Hóa chất vĩnh cửu” hay còn được gọi là PFAS (Per- and Polyfluorinated Substances) là các hợp chất tổng hợp được ứng dụng trong các sản phẩm tiêu dùng khác nhau kể từ giữa thế kỷ 20. PFAS được biết đến với lợi ích chống nước hoặc các chất dầu. Vì vậy, chúng thường được thêm vào dụng cụ nấu nướng, thảm, hàng dệt và các mặt hàng khác để làm tăng khả năng chống thấm nước và chống bẩn. Các hóa chất này có liên quan những nguy cơ sức khỏe như ung thư, rối loạn nội tiết tố, suy giảm hệ miễn dịch và giảm phản ứng vaccine ở trẻ em.

Một nghiên cứu do trường Y khoa Icahn ở Mount Sinai (Mỹ) dẫn đầu đã phân tích mẫu máu của nhóm phụ nữ ở Singapore và phát hiện các chất PFAS trong huyết tương có liên quan đến tỷ lệ mang thai thấp hơn.

Mặc dù bản chất của mối liên hệ này không rõ ràng, kết quả làm tăng thêm mối lo ngại về tác hại của “hóa chất vĩnh cửu” đến sức khỏe của chúng ta hiện nay và trong tương lai.

Nhà dịch tễ học môi trường Damaskini Valvi, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết: “Theo một số nghiên cứu trước đây, PFAS có thể phá vỡ các hormone sinh sản ở phụ nữ, liên quan việc dậy thì muộn cũng như tăng nguy cơ bị lạc nội mạc tử cung và mắc hội chứng buồng trứng đa nang. Giờ đây, nghiên cứu của chúng tôi bổ sung thêm PFAS cũng có thể làm giảm khả năng sinh sản ở những phụ nữ khỏe mạnh, đang cố gắng thụ thai một cách tự nhiên”.

Trong nghiên cứu, Valvi cùng đồng sự thu thập thông tin, lấy mẫu máu của hơn 1.000 phụ nữ đang cố gắng có con. Cuối cùng, nhóm nghiên cứu phát hiện khả năng mang thai giảm trung bình khoảng 30-40% ở những phụ nữ tiếp xúc với hỗn hợp các hóa chất PFAS khác nhau.

Nhà khoa học môi trường Nathan Cohen, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết: “Thông qua nghiên cứu của chúng tôi, những phụ nữ muốn mang thai nên nhận thức được tác hại tiềm ẩn của PFAS và thực hiện các biện pháp phòng ngừa để tránh tiếp xúc với loại hóa chất này, đặc biệt khi họ đang cố gắng thụ thai”.

Các nhà nghiên cứu đang tìm cách tăng tốc độ phân hủy của các hóa chất độc hại này. Nếu hạn chế được việc sử dụng “hóa chất vĩnh cửu”, chúng ta có thể làm giảm hàng loạt các vấn đề sức khỏe mà chúng gây ra.

Theo Minh Ngọc (zing) – Ảnh: T.H

Nguồn: giaitri.thoibaovhnt.com.vn | Copy Link