Huyết áp cao (còn được gọi là tăng huyết áp) là một bệnh mạn tính gây nhiều áp lực cho các mạch máu và các cơ quan chính như tim, não và thận. Nó là nguyên nhân hàng đầu gây nên bệnh tim mạch, dẫn đến đột quỵ và đau tim. Theo ước tính của các nhà khoa học, huyết áp cao sẽ gây ra 7,5 triệu ca tử vong mỗi năm trên toàn thế giới.
Trong nghiên cứu với quy mô lớn dựa trên phân tích huyết áp từ mọi quốc gia từ năm 1975 đến năm 2015, các nhà khoa học nhận định có thể chế độ ăn uống hợp lý và lối sống lành mạnh khiến cho tỷ lệ người mắc bệnh cao huyết áp giảm mạnh ở các nước giàu. Trái lại, số người mắc bệnh ngày càng tăng ở các nước nghèo, đặc biệt ở châu Phi và Nam Á.
Nghiên cứu này được thực hiện dưới sự hợp tác giữa Tổ chức y tế Thế giới (WHO) với hàng trăm nhà khoa học, sau khi theo dõi và đo huyết áp cho hơn 20 triệu người đã được đăng tải trên tạp chí y khoa The Lancet.
Hàn Quốc, Mỹ và Canada có tỷ lệ bệnh cao huyết áp thấp nhất thế giới. Năm 2015, tại châu Âu, Anh là nước có tỷ lệ người cao huyết áp thấp nhất. Trong khi đó, hơn một nửa dân số thế giới bị huyết áp cao vào năm 2015 sống ở châu Á. Ở Trung Quốc khoảng 226 triệu người có huyết áp cao, con số này ở Ấn Độ cũng lên tới 200 triệu người.
“Cao huyết áp không còn liên quan đến sự sung túc như năm 1975 chẳng hạn. Nhưng giờ đây, nó lại là vấn đề sức khỏe nghiêm trọng có mối liên hệ với sự đói nghèo,” Majid Ezzati, một giáo sư tại trường Y tế công cộng Imperial College London cho biết.
Huyết áp thường được đo bằng hai chỉ số là: huyết áp tâm thu (systolic) và huyết áp tâm trương (diastolic), dựa trên 2 giai đoạn co bóp và giãn nghỉ của cơ tim, tương ứng với áp lực cao nhất và áp lực thấp nhất của dòng máu trong động mạch. Có nhiều quy chuẩn khác nhau về khoảng bình thường của huyết áp.
Huyết áp lúc nghỉ thông thường nằm trong khoảng 100-140mmHg huyết áp tâm thu và 60-90mmHg huyết áp tâm trương. Bệnh nhân bị cao huyết áp khi đo huyết áp của bệnh nhân thường xuyên thấy cao hơn hoặc bằng 140/90 mmHg.
Tình trạng cao huyết áp xuất phát từ một số yếu tố bao gồm cả chế độ ăn nhiều muối, ít trái cây, rau quả cũng như lười tập thể dục.
Thống kê mới đây cho thấy trong số những người bị tăng huyết áp ở Việt Nam thì có tới 52% (khoảng 5,7 triệu người) là không biết mình có bị tăng huyết áp; 30% (khoảng 1,6 triệu người) của những người đã biết bị tăng huyết áp nhưng vẫn không có một biện pháp điều trị nào; và 64% những người (khoảng 2,4 triệu người) tăng huyết áp đã được điều trị nhưng vẫn chưa đưa được huyết áp về chỉ số huyết áp mục tiêu.