Các nhà khoa học thuộc trường đại học Ryerson, Toronto đã tiến hành một cuộc thí nghiệm đối với 92 sinh viên, những người tự xác nhận mình là dễ ngủ hay khó ngủ. Thí nghiệm này diễn ra trong một phòng thí nghiệm như phòng ngủ. Kết quả cho thấy 46% những người khó ngủ sợ bóng tối, trong khi 26% những người dễ ngủ cũng sợ như vậy.
Theo Colleen Carney, thành viên nhóm nghiên cứu, không chỉ trẻ em, mà người lớn cũng sợ bóng tối. “Chúng ta có thể trị được chứng mất ngủ. Có thể để những người mất ngủ làm quen dần với bóng tối để họ không còn cảm giác hồi hộp dẫn đến mất ngủ.”
Khoảng 60 triệu người Mỹ bị chứng mất ngủ mỗi năm, thường xuyên hoặc vài tuần một lần, theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Quốc gia về rối loạn hệ thần kinh và đột quỵ (NINDS). Chứng mất ngủ có thể kéo dài vài tuần và là dấu hiệu của những vấn đề sức khoẻ khác như: ngưng thở lúc ngủ, chân không yên, lạm dụng thuốc hay rối loạn thần kinh.
Để kiểm tra những người tham gia nghiên cứu có sợ bóng tối hay không, nhóm nghiên cứu đưa họ vào một phòng thí nghiệm bố trí như phòng ngủ và cho đeo tai nghe. Các nhà nghiên cứu cho họ nghe những tiếng động dạng “white nosie” (hỗn hợp nhiều tiếng động đột ngột khác nhau) và quan sát mức họ có chớp mắt thường xuyên không.
Khi phòng ngủ sáng đèn, cả người dễ ngủ và khó ngủ đều phản ứng như nhau trước tiếng động. Tuy nhiên, khi đèn tắt, những người khó ngủ thường hay giật mình và chớp mắt nhiều hơn. Hơn nữa, những người khó ngủ càng về khuya càng trở nên sợ bóng tối hơn, trong khi người dễ ngủ lại cảm thấy dễ chịu hơn.
Carney cho biết: “Mọi người có thể bị giật mình trong bóng tối. Đó là điều bình thường vì con người không phải là loài sống về đêm. Nhưng những người dễ ngủ lại quen với tiếng động và ít bị giật mình.”
Một số nhà khoa học tỏ ra hoài nghi kết quả của nghiên cứu này. Theo Jack Edinge, bác sĩ chuyên khoa về giấc ngủ: “Chúng ta không thể kết luận ngay rằng việc điều trị nỗi sợ bóng tối có liên hệ đến chứng mất ngủ. Những người khó ngủ có thể có nhiều thứ khác ngoài việc bị mất ngủ.” Tuy nhiên, ông cũng đánh giá nghiên cứu này đã mở ra một cách tiếp cận mới trong việc điều trị chứng mất ngủ.