Theo chuyên gia, tần suất nội soi dạ dày cho người bình thường là 5 năm/lần. Đối với những người bệnh có yếu tố nguy cơ gây ung thư, bác sĩ sẽ đưa ra tần suất phù hợp.
Người bình thường không có yếu tố nguy cơ mắc ung thư dạ dày chỉ nên nội soi 5 năm/lần. Ảnh: Emergency Live.
Hiện, tỷ lệ mắc ung thư tại Việt Nam cũng như thế giới vẫn tăng cao. Theo thống kê của Tổ chức ung thư toàn cầu Globocan, ung thư dạ dày là một trong 5 loại ung thư có nhiều người mắc nhất trên thế giới trong nhiều năm.
“Trong những năm gần đây, tỷ lệ những ca mắc mới và tử vong vì ung thư dạ dày tại Việt Nam vẫn còn khá cao”, TS.BS Võ Duy Long, Phó trưởng khoa Ngoại Tiêu hóa, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, nhận định.
Mắc ung thư ở giai đoạn muộn nhưng không có triệu chứng
Trong đó, vấn đề quan trọng nhất trong việc điều trị ung thư dạ dày là làm sao phát hiện và chẩn đoán được bệnh sớm, khi ung thư mới ở lớp niêm mạc, chưa xâm lấn hay di căn.
Hiện nay, tại Việt Nam và trên thế giới, nhờ sự phát triển của hệ thống nội soi, xét nghiệm…, số lượng bệnh nhân được phát hiện mắc ung thư dạ dày ở giai đoạn sớm ngày càng nhiều. Tuy nhiên, tỷ lệ bệnh nhân nhập viện điều trị khi bệnh đã phát triển muộn cũng khá cao và đáng báo động.
Ung thư dạ dày cũng như các bệnh ung thư khác ở giai đoạn sớm thường không có triệu chứng.
“Thậm chí, nhiều bệnh nhân đã phát triển ung thư ở giai đoạn muộn khi đến bệnh viện vẫn hoàn toàn không có biểu hiện khác thường như đau bụng, sụt cân hay kém ăn… Họ chỉ bất ngờ phát hiện mình mắc ung thư khi đi khám sức khỏe tổng quát”, TS Long cho hay.
Do đó, chuyên gia này khuyến cáo thay vì đợi có triệu chứng mới đi khám, những người có nguy cơ ung thư dạ dày nên khám tầm soát sớm để có thể phát hiện tế bào ung thư trong giai đoạn sớm.
Trong giai đoạn sớm, nếu được điều trị, bệnh nhân ung thư có tỷ lệ sống cao, nguy cơ di căn thấp, thậm chí có thể hết bệnh. Ở giai đoạn muộn, khi tế bào đã xâm lấn các cơ quan khác, khả năng điều trị khỏi bệnh rất thấp.
Nhiều người không biết mình mắc ung thư dạ dày do không xuất hiện triệu chứng. Ảnh: Unsplash.
Quá trình tầm soát ung thư dạ dày gồm 2 bước. Bước đầu, người thực hiện tầm soát cần xét nghiệm máu để tìm ra những dấu ấn sinh học hoặc mảnh vỡ ADN nghi ngờ ung thư. Lúc này, bệnh nhân tiếp tục thực hiện nội soi dạ dày để phóng đại và phát hiện thương tổn trong bộ phận này. TS Long cho biết đây là phương pháp bắt buộc để chẩn đoán chính xác người bệnh có mắc ung thư dạ dày hay không.
Nếu phát hiện dạ dày của người bệnh có vấn đề, các bác sĩ sẽ đưa ra thời gian thực hiện nội soi tiếp theo.
“Tùy từng vấn đề mà thời gian nội soi tiếp theo có thể cách lần trước đó 6 tháng hoặc 1-2 năm. Nếu dạ dày không có yếu tố nguy cơ, mọi người nên nội soi mỗi 5 năm/lần”, TS Long khuyến cáo.
Tần suất nội soi dạ dày hợp lý
Ở Việt Nam, chưa có nghiên cứu nào đưa ra khuyến cáo về lứa tuổi nên thực hiện nội soi dạ dày. Tuy nhiên, tại Nhật Bản và Hàn Quốc – các quốc gia có tỷ lệ mắc ung thư dạ dày hàng đầu thế giới, ngành y tế những nước này khuyến cáo người dân sau 40 tuổi nên đi nội soi dạ dày một lần để đánh giá nguy cơ mắc ung thư dạ dày.
Tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, TS Long cho biết tỷ lệ bệnh nhân trên 40 tuổi mắc ung thư dạ dày rơi vào khoảng 80-85%.
“Như vậy, những người dưới 40 tuổi nên nội soi dạ dày ít nhất một lần để phát hiện các yếu tố tiền ung thư, nhờ đó các bác sĩ có thể theo dõi và lên phác đồ điều trị nếu cần”, TS Long nhấn mạnh.
Ngoài ra, nhóm người dưới 40 tuổi có triệu chứng cũng nên đi nội soi để được khám và phát hiện sớm bệnh ung thư dạ dày.
Bên cạnh đó, những người có thành viên trong gia đình từng mắc ung thư dạ dày nên đi tầm soát ung thư dạ dày sớm, khoảng 30-35 tuổi.
Theo TS Long, ung thư không phải là bản án tử nếu bệnh nhân phát hiện bệnh sớm. Chỉ cần được chấn đoán và điều trị sớm, bệnh nhân ung thư có thể hồi phục, thậm chí khỏi bệnh và nhanh chóng quay lại cuộc sống bình thường.
Theo Linh Thùy (zing) – Ảnh: T.H