Thường ca dao, tục ngữ là kinh nghiệm của người đời đúc kết qua nhiều thế hệ từ những điều mắt thấy, tai nghe trong cuộc sống hằng ngày. Đối với “cửa sổ tâm hồn” của phụ nữ, có rất nhiều câu ca, áng thơ để ca ngợi, miêu tả. Chẳng hạn “Con mắt lá răm, lông mày lá liễu đáng trăm quan tiền” hoặc “hồng diện, trường mi…”…
Tuy nhiên, một người phụ nữ đẹp lại thường bị người khác săm soi, cố tìm ra những điểm gì đó để chê bai, dè bĩu. Mắt to thì bảo “mắt ốc nhồi”, chân dài thì bảo “trường túc đa dâm”… Bởi thế mới có câu “hồng nhan đa truân”, ít có người đẹp mà cuộc đời không sóng gió.
Trở lại “vụ án” con mắt lá răm, rõ ràng câu ca dao này là hàm ý xấu khi nói về phụ nữ. Chữ “liếc” ở đây dường như để dùng trong ngữ cảnh “liếc mắt đưa tình”. Người sở hữu con mắt ấy trước tiên là người… có sức mạnh phi thường, có khả năng làm cho những gã si tình “không chết cũng bị thương”.
Tự cổ chí kim, có mấy anh hùng qua được ải mỹ nhân đâu?
Các ông thầy tướng thấy đôi mắt phụ nữ có đuôi là thở dài: đàn bà đa tình là họa. Họa đâu chả thấy, chỉ thấy họ tự làm khổ mình, khổ tâm, khổ trí và khổ cả thân thể đêm ngày mong ngóng đợi chờ.
Đàn ông thích đàn bà đa tình hay không chẳng biết, chỉ biết rằng người đàn ông nào dám chọn đàn bà đa tình làm vợ chắc chắn phải đầy bản lĩnh, tự tin (những kẻ bạc nhược, tặc lưỡi… hên xui, biết nàng đa tình, sợ mà vẫn lấy rồi lấy về để dằn vặt thì không tính là đàn ông)! Đàn ông bản lĩnh kiểu này được mấy người?
Tôi chỉ thấy đàn bà đa tình khổ, không phải vì chịu đựng ánh mắt nghi ngờ của người đàn ông bên cạnh hay đàm tiếu của những người xung quanh, mà khổ vì những nồng nàn đôi khi không được thổi bùng lên thành lửa. Vì những nồng nàn của đàn bà đa tình nhiều khi không phải …yêu đương mà chỉ là những đam mê, những xúc cảm trong tâm hồn, những xúc cảm mà đàn ông thô kệch không bao giờ hiểu được.