Nhiều lúc nóng giận, cha mẹ khó kiểm soát được chính mình và có thể buột miệng nói với con những câu như “Con chẳng làm được cái gì nên hồn cả” hay “Sao tao lại đẻ ra đứa như mày”… Bé sẽ tưởng những lời che mẹ nói là thật và trở nên sợ hãi, thậm chí có thể bị nhiễu tâm lý, tự ti, mặc cảm với chính bản thân mình và bị tổn thương mãi về sau này.
Không ai có thể hoàn hảo mọi lúc mọi nơi nhưng cha mẹ cần cố gắng hạn chế hết mức có thể những lần “lỡ lời” như dưới đây để không ảnh hưởng tiêu cực đến tâm hồn ngây thơ, trong sáng của con trẻ:
“Tại sao con không được như anh (hoặc chị)?”
Nếu bố mẹ có thói quen so sánh bé với anh (chị) mình, bé sẽ dần hình thành tâm lý bi quan, mặc cảm hoặc cáu kỉnh, khó chịu. Khi đã bị tổn thương, thậm chí, bé sẽ không muốn cố gắng để đạt được những hành vi tốt nữa.
Lời khuyên dành cho bố mẹ: Cha mẹ nào cũng mong muốn con cái mình thông minh, giỏi giang, ngoan ngoãn tuy nhiên nên học cách chấp nhận thực tế rằng, mỗi bé là một cá thể độc lập. Thay vì so sánh hoặc tỏ ra thất vọng, nên khuyến khích để bé có thể tiến bộ trong khả năng của bé.
Không ai có thể hoàn hảo mọi lúc mọi nơi nhưng cha mẹ cần cố gắng hạn chế hết mức có thể những lần “lỡ lời” để không ảnh hưởng tiêu cực đến tâm hồn ngây thơ, trong sáng của con trẻ. (Ảnh minh họa)
“Sao tôi lại đẻ ra cái đứa như này?”
Hầu hết trẻ em đều muốn làm vui lòng cha mẹ nhưng những câu nói kiểu như vậy sé khiến bé sẽ tin rằng, bạn không muốn làm mẹ của bé thực sự. Thậm chí, nhiều bé sẽ không bao giờ quên được câu nói này của bạn. Hậu quả: Bé sẽ thiếu tự tin vào bản thân mình và luôn hoài nghi “Mẹ không yêu mình”.
Gợi ý dành cho bạn: Nếu bạn có thói quen phàn nàn những câu tương tự khi tức giận bé, tốt nhất, bạn nên nhanh chóng ra ngoài, đợi đến khi bình tĩnh trở lại, bạn có thể trao đổi với bé về những điều bạn chưa hài lòng sau.
“Con chẳng làm được việc gì nên hồn cả! “
Có thể trẻ không làm được điều gì khiến bố mẹ vừa ý, hoặc chúng cứ động vào cái gì là làm hỏng cái đó, nhưng đừng vội vàng đuổi con ra và nói với con những lời lẽ mang tính miệt thị như vậy. Những câu này được sử dụng nhiều lần sẽ khiến trẻ nghĩ rằng chúng thật sự là những người chẳng có ích lợi gì. Trẻ cũng không muốn cố gắng để thay đổi nữa vì chúng sẽ nghĩ rằng: “Đằng nào trong mắt bố/mẹ, mình đã là người như thế”.
” Có thế mà con cũng khóc à? “
Cha mẹ có trách nhiệm giúp đỡ con em chúng ta thôi không rên rỉ, than phiền, và càu nhàu. Khóc – miễn là phù hợp với hoàn cảnh và là hoàn toàn chấp nhận được.Trong thực tế, khóc là lành mạnh và cần thiết. Khi trẻ thực sự khó chịu, chúng cũng không thể ngừng khóc ngay cả khi muốn, thậm chí điều đó còn khiến trẻ cảm thấy tồi tệ hơn.
Mỗi cảm xúc của trẻ đều đáng được tôn trọng và hẳn là bố mẹ không muốn nhìn thấy con mình trở thành người vô cảm, không biết biểu lộ cảm xúc, không biết rung động.
“Con làm bố mẹ thất vọng “
Chắc chắn không thể tránh khỏi có những lúc cha mẹ rất buồn, rất đau lòng vì con chưa ngoan, chưa vâng lời, chưa học tốt, làm tốt,… Dù cho bạn có đang bối rối trước hành động của trẻ thì một câu nói như thế này có thể làm giảm lòng tự trọng ở trẻ, khiến trẻ cảm thấy cô lập và bị hắt hủi. Về lâu về dài, điều này ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ giữa bố mẹ và trẻ.
“Con là một….đứa ngốc/vô dụng”
Có thể trẻ không làm được điều gì khiến bố mẹ vừa ý, hoặc chúng cứ động vào cái gì là làm hỏng cái đó, nhưng đừng vội vàng nói với con những lời lẽ mang tính chê bai. Tuy nhiên không ít bố mẹ buột miệng mà tuyên bố con là một đứa ngốc, một đứa vô dụng.
Những câu này được sử dụng nhiều lần sẽ khiến trẻ nghĩ rằng chúng thật sự là những người chẳng có ích lợi gì. Trẻ cũng không muốn cố gắng để thay đổi nữa vì chúng sẽ nghĩ rằng: “Dù mình có cố gắng thể nào thì trong mắt bố/mẹ, mình đã là người như thế”.
Trẻ nhỏ không biết gì nên hay bắt chước bố mẹ, những ngôn từ bố mẹ nói được chúng sẽ mặc định là mình cũng được phép nói.
Không những vậy, khi trẻ bị bố mẹ chê trách quá nhiều, chúng sẽ có xu hướng quay lại “soi” bố mẹ và bạn bè. Và điều rất có thẻ xảy ra là khi bố mẹ mắc lỗi thì trẻ cũng sẽ gọi bạn bè hay thậm chí bố mẹ là “ngốc”.
Chính vì vậy, nếu bạn không muốn con mình gọi bạn bè là lũ ngốc, thì có lẽ bạn cũng không nên dùng từ ấy với con. Không kể đến việc, lời nói này ngầm cho thấy rắc rối trong quan hệ giữa bạn và bạn đời.
“Không việc gì phải sợ”
Mỗi người đều có một nỗi sợ hãi, hám ảnh trong lòng khác nhau và trẻ nhỏ cũng vậy. Các bé thường sợ ma, sợ sâu bọ hay bất cứ một thứ gì có hình thù gớm ghiếc. Trước những nỗi sợ hãi của con mẹ nên an ủi và nói chuyện với con về nỗi sợ đó và giúp con vượt qua. Đừng vội nói câu “không việc gì phải sợ”, nói với con điều này chẳng giúp chúng bớt sợ đi được.
“Mẹ/ bố cũng ghét con”
Việc bố mẹ tuyên bố ghét con sẽ khiến trẻ cảm thấy tủi thân. Vì với các con, bố mẹ là những người gần gũi và quan trọng nhất, vậy khi nghe bố mẹ nói ghét mình, trẻ sẽ cảm thấy sao?
Vào lúc nào đó, theo cách nào đó, con cái sẽ nói rằng chúng ghét bố mẹ mình. Nhưng thay vì hạ mình bằng vai phải vế với một đứa trẻ và nói rằng bạn cũng ghét chúng, hãy cho con biết rằng dẫu gì bạn vẫn cứ yêu chúng.
“Vì mẹ/ bố bảo thế”
Đây là một câu nói sai lầm kinh điển mà chúng ta cần phải vĩnh viễn bỏ qua. Khi yêu cầu con cái làm điều gì, bạn cần giải thích rõ ràng và hợp lý nếu không trẻ sẽ thấy có lý do gì phải dừng hành động hay thái độ được cho là sai trái của mình.
Trẻ nhỏ thường thích có nhiều hành động và thói quen mà bố mẹ không ngờ tới, chúng có thể thích nghịch bẩn, thích chạy nhảy lung tung khắp nhà. Tuy nhiên trước những hành động đó của con, bố mẹ không nên thẳng thắn ngăn cấm con mà hãy nhẹ nhàng nói lí do tại sao con không nên làm như vậy. Khi ép buộc trẻ làm theo điều mình nói mà không có lí do thì sẽ khiến trong lòng trẻ cảm thấy không thoải mái.
“Im ngay!”
Việc bố mẹ quát con “im ngay” là vô tình cướp đi những quyền cơ bản của một đứa trẻ. Trẻ nhỏ được sinh ra là để hỏi, để nói, để tranh luận và thắc mắc. Mẹ đã phải chờ bao ngày tháng rồi vỡ òa hạnh phúc khi con cất tiếng nói đầu tiên. Vậy tại sao lại nỡ cắt đứt cơ hội được tự do ngôn luận của trẻ.
Khi con mắc lỗi hãy cho con một cơ hội được giải thích, đừng vội phủi bay lời nói của con để rồi nhanh chóng đưa ra lời tuyên án. Điều quan trọng là khi con đang nói lại bị bố mẹ quát “im ngay”, chúng sẽ sinh ra tư tưởng là người lớn không muốn nghe mình nói và về lâu dài sẽ khiến cho con không muốn chia sẻ hay tâm sự bất cứ điều gì với bố mẹ. Chính từ một câu nói vô tình như vậy, bố mẹ sẽ làm cho mối quan hệ gia đình trở nên tồi tệ và xa cách.
Dưới đây là một số câu nói phản cảm “bất hủ” chúng ta thường gặp. Các bố mẹ cần “đoạn tuyệt” ngay những câu đại loại như này nếu như không muốn rời xa con mình:
– Đồ ăn hại
– Sao mày ngu thế, dốt thế. Tao có để mày thiếu thốn cái gì đâu
– Con/Mày lười quá! Chẳng chịu học hành, chỉ mải chơi
– Sao con hậu đậu thế
– Con làm xấu mặt bố/mẹ, đúng là của nợ
– Con không có ý thức gì cả! Phòng con bẩn như chuồng lợn ấy
– Con không bao giờ chịu nghe lời cả!
– Óc mày óc người hay óc lợn hả con?
– Con gái mà ở bẩn như hủi ấy, sau này ai rước
– Học dốt như lợn thì sau này chỉ có mà ăn đất thôi
– Đồ ăn hại, chỉ biết ăn với phá thôi, không được tích sự gì
– Mày muốn giết mẹ/bố mày hả con?
– Học dốt thế này thì nhịn cơm, cho ăn cho phí cơm ra
– Con gái con đứa nứt mắt ra học không lo học đã đua đòi đi chơi, không biết giữ mình có ngày ễnh bụng ra đấy thì nhục
– Trời ơi sao mày ngu thế!
– Mày ăn phải cái gì mà mày dốt không để cho ai dốt với
– Câm miệng; Câm ngay
– Tập trung vào đây, nhìn vào chữ
– Con với chả cái, càng lớn càng hư, không coi bố mẹ ra gì.
– Mày cứ chơi với cái lũ mất dạy ấy đi rồi sau này không ra gì thì đừng có trách bố mẹ không nói trước.
Bố mẹ cần biết rằng roi vọt có thể làm đau da thịt con trẻ nhưng lời nói của bố mẹ có thể làm chúng tổn thương tinh thần mãi mãi về sau nên bố mẹ phải thật chú ý khi mắng con.
Những thực phẩm nuôi con chân dài miên man
(Làm Mẹ) – (Phunutoday) – Dưới đây là những thực phẩm mẹ nên tập trung cho con ăn để trẻ cao lớn vượt trội hơn bạn cùng trang lứa. |