Tại Việt Nam, sữa đậu nành là một thức uống bổ dưỡng và quen thuộc, thậm chí là thức uống khoái khẩu của nhiều người. Tuy nhiên, những ly sữa đậu nành, hay túi sữa đậu nành thơm ngon được bày bán tại nhiều nơi, với những lời mời hấp dẫn như sữa đậu nành tự làm hay sữa đậu nành nguyên chất… khiến nhiều người không hề nghi ngờ về chất lượng của chúng.
Thế nhưng, nhiều người lại không hề biết rằng, đằng sau thức uống bổ dưỡng mà nhiều người ưa thích này lại tiềm ẩn nhiều tác hại khôn lường, khi một số người bán chỉ quan tâm đến lợi nhuận trước mắt mà không màng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Dẫn lời báo Thanh Niên, tại một cửa hàng chuyên kinh doanh hóa chất, hương liệu thực phẩm tại chợ Kim Biên (Q.5, TP.HCM), một người bán hàng tại đây cho biết, một lọ hương đậu nành và hương đậu xanh với giá 800.000 đồng nếu mua can 2 lít giá, còn loại khác giá rẻ hơn giá chỉ 150.000 đồng/lít thì hiện tại đã hết hàng.
Không những thế, chủ cửa hàng này còn khẳng định rằng: “Thời nay, nấu sữa đậu nành phải dùng hương liệu mới bán được chứ nấu bằng đồ thật thì chỉ có ế”.
Ngoài ra, chủ cửa hàng này còn cho hay, còn có một loại nguyên liệu khác có thể thay thế đậu nành có tên gọi “bột đậu hóa chất” và có lãi gấp 2 – 3 lần so với dùng đậu thật, còn loại kia chỉ là hương liệu phụ.
Cụ thể, “bột đậu hóa chất” được người bán giới thiệu rằng nhập khẩu, thế nhưng bao bì không hề có nhãn mác và nếu mua nguyên bao 50kg giá trung bình 50.000 đồng/kg và giá bán lẻ 55.000 đồng/kg.
Không những thế, chủ cửa hàng này cũng chia sẻ thêm, giá của 1 kg đậu nành là 35.000 đồng, và chỉ nấu được tối đa là 15 lít nếu thêm nhiều nước. Sau đó, lại còn phải xay, lọc, nấu… rất mất công so với mua hương liệu.
Bên cạnh đó, 1kg “bột đậu hóa chất” khi mua thì thêm một chút hương liệu vào, nấu được 50 lít sữa và giá chỉ 55.000 nghìn đồng. Còn nếu muốn sánh hơn, chỉ cần cho thêm chút bột gạo là có thể nấu lên được 60 lít.
“Nhớ chỉ nhỏ vài giọt như thuốc nhỏ mắt là thơm lừng rồi. Cho nhiều quá mùi hắc uống không nổi đâu”, chủ cửa hàng dặn dò.
Một chủ cửa hàng chuyên bán hóa chất, hương liệu thực phẩm khác tại chợ Kim Yên cũng khẳng định rằng: “Giờ nhiều người dùng bột này để làm sữa đậu nành lắm. Khỏi phải ngâm, xay, lọc, nấu, canh lửa làm gì cho mệt. Dùng đậu nành cao sản ít béo, muốn thơm phải bỏ hương liệu và thêm cả bột béo nữa mới bán được. Xay đậu nành làm gì cho mất công, cứ mua bột này về pha bán lợi. Mỗi ngày tui bán được mấy bao 50kg”.
Ngoài 2 loại bột sữa trên, còn có một loại bột sữa có tên Damuzhi của Trung Quốc, giá chỉ 60.000 đồng/kg và “bột sữa Hà Lan” đóng gói tại VN giá 80.000 đồng/kg…
Cũng theo chủ cửa hàng này, đây cũng là những loại bột béo mà các quán bán trà sữa thường hay mua dùng. “Thường người ta mua nguyên bao 50 kg cho lợi. Nếu mua thì tôi cho người vào kho chở lấy hàng chứ ở đây không có đâu”. Bên cạnh đó, khi đến chợ Kim Biên (Q.5, TP.HCM), cách đây hơn 2 năm, khách sẽ được mời chào các loại hóa chất và được hướng dẫn tận tình cách dùng.
“Loại sữa này có hai dạng bột và nước. Bột béo giá 100.000 đồng/kg, còn sữa nước pha sẵn từng bịch loại 5 lít giá 250.000/bịch”, nhân viên một cửa hàng kinh doanh hóa chất cho biết.
Cũng theo người này, hầu hết người làm sữa đậu nành bán vỉa hè đều đến các cửa hàng hóa chất, phụ gia thực phẩm ở chợ này mua.Không những thế, một nhân viên bán hàng còn tận tình chỉ cách pha chế: “Nếu loại bột béo thì anh cứ cho 1gr bột vào 10 lít nước đun sôi. Còn loại sữa dạng nước thì cứ 10 lít nước cho vào nửa lít sữa”.Ngoài ra, người này tiết lộ đây là loại bột béo pha với bột đậu nành, vừa tạo màu đục như sữa vừa tạo thêm mùi thơm vì có bột đậu nành.
“Đây là hàng trong nước làm, chứ không phải Trung Quốc”, người này khẳng định.
Đồng thời, một phụ nữ có cơ sở chế biến đậu nành tại gia ở quận 6, bỏ mối cho các quán ở vỉa hè cho biết: “Mình đã mua bột béo, hương liệu về chế biến sữa đậu nành nhiều năm nay. Đậu tương giá khá cao nên phải mua thêm bột béo này pha trộn vào mới có lời”.
Người này nói thêm, bột béo không thể làm ra được sữa đậu nành mà phải thêm hương liệu đậu nành và hương tạo ngọt. Cứ 50 lít sữa đậu nành thì phải bỏ thêm 1 kg bột béo và vài muỗng hương liệu đậu nành và tạo ngọt. Theo chị, hầu hết cơ sở chế biến sữa đậu nành không thương hiệu đều tìm đến các loại hóa chất, phụ gia thực phẩm này.
Theo Kiến Thức, một người có thâm niên bán sữa đậu nành hơn 15 năm cho hay, dân trong nghề nhìn vào giá bán là biết sữa nấu từ thứ gì. Giá rẻ nếu không nấu hóa chất thì cũng là loại đậu chỉ chuyên làm thức ăn gia súc và thêm hương liệu.
“Nhiều người chào giao tận nhà bột sữa, đường hóa học, hương liệu… giá bèo của Trung Quốc. Làm sữa cách này giá chỉ bằng một nửa so với giá mua đậu, lại không cần bỏ công thức đêm hôm để ngâm, xay, canh… nhưng tôi không chịu. Mình bán cho toàn khách quen bao năm nay, làm thế sao được”, chị này nói thêm.
Chính vì vậy, nhiều người đặt ra câu hỏi rằng, loại sữa đậu nành được bày bán tại vỉa hè, đường phố suốt cả ngày mà không được làm lạnh, thế nhưng vẫn không hề hư hỏng. Và có hay không những túi sữa đậu nành này được làm từ “bột đậu hóa chất”?
Hiện tại, không thể tưởng tượng khi uống loại sữa đậu nành này sẽ gây ra những hệ quả gì, thế nhưng không thể phủ nhận tác hại khôn lường khi cơ thể uống phải hóa chất.
Chính vì vậy, lời khuyên dành cho mọi người chính là nên sử dụng những loại sữa đậu nành có nguồn gốc, cơ sở sản xuất tin tưởng và có thương hiệu hoặc có thể tự làm sữa đậu nành để đảm bảo sức khỏe hơn.
Đồng thời, mọi người có thể phân biệt sữa đậu nành thật và giả như sau:
Màu sắc:
– Sữa đậu nành thật sẽ có màu trắng ngà và nếu cho thêm lá dứa nấu chung sẽ có màu hơi xanh.
– Sữa đậu nành giả sẽ có màu trắng kem đục, nhìn vào sẽ đẹp mắt hơn.
Độ trong:
– Sữa đậu nành thật sẽ có màu hơi trong của nước bởi khi đậu nành xay ra sẽ không hòa lẫn hoàn toàn với nước, bất kể sữa đậu nành hoặc sữa tươi thật, nếu nhìn kĩ sẽ thấy chất sữa hơi trong.
– Sữa đậu nành giả sẽ có màu trắng đục hoặc giống màu của nước vo gạo.
Độ béo:
– Sữa đậu nành thật sẽ có vị thơm nhẹ của đậu nành và ít béo.
– Sữa đậu nành giả khi uốn vào sẽ có cảm giác béo hơn do có chứa bột béo.
Lắng cặn:
– Sữa đậu nành thật, nếu để từ 10-15 phút, dưới đáy sữa đậu nành thật sẽ có cặn của đậu nành và khi để nguội sẽ xuất hiện váng sữa nổi lên.
– Sữa đậu nành giả sẽ không có hoặc rất ít lắng cặn và nếu có cặn thì vị của cặn đó cũng sẽ rất béo bởi do pha nhiều bột béo.
Hương vị:
– Sữa đậu nành thật, hương sữa đậu nành thật nhẹ, thanh không đắng.
– Sữa đậu nành giả khi uống thì ban đầu sẽ thấy vị ngọt béo của bột, có mùi đậu nhưng không thấy vị của đậu. Thế nhưng, sau đó để ý kĩ ở cuống lưỡi có vị hơi ngắt và đắng.
Bảo quản:
– Sữa đậu nành thật có thời gian bảo quản rất ngắn, nếu để nhiệt độ bình thường thì dễ bị lên men. Ngoài ra, nếu bạn mua buổi sáng để tới tối trong nhiệt độ phòng sữa sẽ bị thiu và có vị chua. Kể cả bảo quản lạnh thì cũng không bảo quản được quá 24 tiếng.
– Sữa đậu nành giả thì thời gian bảo quản lâu hơn, có khi 2-3 ngày chưa thấy hư hoặc chua.
Lắc lên:
– Sữa đậu nành thật khi lắc lên sẽ sủi bọt.
– Sữa đậu nành giả khi lắc lên không sủi bọt hoặc sủi rất ít, bởi một số người bán có thể pha sữa thật với sữa giả để chúng ta khó phát hiện.