Vừa qua, cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương cho biết đã tìm ra nguyên nhân chính khiến 38 công nhân bị ngộ độc phải đi cấp cứu chính là từ bún riêu cua.
Kết quả xét nghiệm cho thấy vi khuẩn Escherichia coli (E.Coli) có trong bún riêu cua cao gấp 3.000 lần so với giới hạn cho phép theo quyết định 46/2007/QĐ-BYT của Bộ Y tế.
Được biết, vi khuẩn E Coli có thể sinh ra từ cua bị chết. Thông thường khi cua đã chết chúng ta sẽ vứt đi, nhưng tại các nhà hàng vì tiết kiệm nên người ta vẫn tận dụng.
Khi ăn phải thực phẩm này sẽ nguy hiểm cho người ăn, biểu hiện cụ thể là gây ngộ độc tiêu hóa, nặng hơn là xuất huyết tiêu hóa, rối loạn thần kinh, thậm chí suy thận.
Theo các chuyên gia, cua đồng có nhiều canxi, rất giàu chất dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe nhưng nếu ăn không đúng, không làm sạch làm kỹ, chưa kể cua đã chết rất dễ bị ngộ độc, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Vì vậy, khi ăn cua đồng cần tránh những điều sau đây:
Không chế biến từ cua đã chết
Rất nhiều bà nội trợ thường mua cua xay sẵn ở ngoài chợ rồi về lọc rồi nấu. Tuy nhiên, cách làm này lại chứa nhiều hiểm họa không lường mà nhiều người không ngờ tới. Bởi vì khi làm cua, nhiều người bán hàng đã tiếc rẻ nên không loại bỏ những con cua chết.
Trong cua chết có chứa thành phần hóa học mang tên histidine, có thể gây độc khiến người ăn bị đau bụng, nôn mửa, thậm chí bị ngộ độc nghiêm trọng. Cua càng chết lâu lượng histidine càng nhiều, càng dễ ngộ độc hơn.
Không hâm đi hâm lại
Các bà nội trợ cần lưu ý, khi chế biến cua đồng, nên chế biến đến đâu sử dụng hết đến đó, bởi thịt cua có chứa rất nhiều chất đạm cũng như chất dinh dưỡng khác, sau khi tiếp xúc với môi trường sẽ dễ bị các vi khuẩn có hại làm hỏng, gây ôi thiu… Việc nấu lại cua không những làm mất đi nhiều chất dinh dưỡng mà còn có thể thịt cua bị biến chất, gây độc.
Không uống trà, ăn quả hồng khi ăn cua
Hồng và canh cua không nên ăn cùng nhau, vì chất tannin và các thành phần khác trong quả hồng có thể làm cho protein trong thịt cua rắn lại, chất rắn đó lâu dần sẽ lưu lại trong ruột rồi lên men và thối rữa, có thể gây buồn nôn, đau bụng, đi ngoài. Nặng hơn nữa, những chất đó còn có thể kết thành sỏi rất nguy hiểm đối với sức khỏe.
Ngoài ra, khi ăn canh cua cũng không nên uống nước chè, vì cua rất giàu protein, còn trong nước trà và quả hồng lại chứa tanin. Tanin có thể kết hợp với protein trong cua gây kết tủa tạo ra các triệu hứng lợm giọng, nôn ói, đau bụng, tiêu chảy…
Những người không nên ăn cua đồng
Do cua đồng có tác dụng phá khối u, tống xuất khối cục tồn đọng nên đông y khuyên phụ nữ có thai tránh ăn cua đồng.
Người đau ốm mới khoẻ, hệ thống tiêu hoá còn yếu cũng không nên ăn.
Người có biểu hiện tỳ vị hư hàn (cảm giác sợ lạnh) cũng cần hạn chế. Nếu bị tiêu chảy, không ăn cua đồng.
Gạch cua có nhiều cholesterol, nên người huyết áp cao, bệnh tim mạch cần hạn chế dùng.
Khi ăn cua, nên ăn cùng lá tía tô, gừng để làm giảm bớt tính hàn. Cua đồng cũng chứa nhiều sodium và purines nên không thích hợp cho người bị bệnh gút.