Cuộc sống thường ngày của bạn như thế nào? Có phải bạn nai lưng ra làm việc, mong ngóng hàng ngày hàng giờ đến ngày cuối tuần, để rồi trở lại thứ 2 với một tâm trạng chán nản hơn bao giờ hết?
Nếu đúng, thì bạn không hề cô đơn. Rất nhiều người hiện tại đang sống như vậy. Chúng ta làm quần quật cả tuần, rồi lên kế hoạch nghỉ ngơi vào thứ 7, Chủ nhật. Tuy nhiên, sự thật thì không được màu hồng như vậy.
Theo như một khảo sát do tiến sĩ Megan Arrol – nhà tâm lý học từ Healthspan (công ty dược phẩm nổi tiếng của Anh), phải đến 3/4 chúng ta đang trải qua những ngày làm việc cật lực mà không có được sự nghỉ ngơi đúng nghĩa.
Để rồi đến khi có được thời gian rảnh, cũng chừng đó người phải thừa nhận rằng: họ không còn nhớ cách để nghỉ ngơi nữa rồi.
“Nghiên cứu đã chỉ ra thực tế đáng lo ngại.” – Arrol cảnh báo.
“Hơn một nửa người tham gia khảo sát cho biết việc không thể nghỉ ngơi gây ảnh hưởng đến giấc ngủ, khiến tâm trạng ngày càng tệ hơn, thậm chí còn gây trầm cảm.”
Việc nghỉ ngơi hiệu quả sẽ tác động tốt lên sức khoẻ của bạn.
Trong cuộc sống hiện đại, thời gian để nghỉ ngơi không những hiếm mà còn tỏ ra thực sự… phí phạm. Tuy nhiên, Arroll phản bác ngay luận điểm này. “Thời gian nghỉ ngơi là lúc bạn tĩnh tâm, và nó mang đến những lợi ích không thể chối bỏ đến cơ thể.”
“Nhiều chứng bệnh như tim mạch, đau nhức hoặc đường ruột có thể được cải thiện nếu nghỉ ngơi đúng cách.”
Đó là chưa tính đến việc nghỉ ngơi có thể làm tăng năng lượng, giảm huyết áp và nhịp tim, giảm cortisol (hormone stress), giảm áp lực cho cơ, và làm tăng sức tập trung.
Tóm lại, việc nghỉ ngơi thực sự quan trọng, nhưng nhiều người trong chúng ta đã quên đi cách làm điều đó.
Chính vì thế, tiến sĩ Arroll và đồng nghiệp là Jen Nash đã đưa ra một số phương pháp giúp bạn cải thiện khả năng nghỉ ngơi trong chớp mắt.
1. Hít thở như em bé
“Một trong những cách nhanh chóng, dễ dàng và hiệu quả nhất là hít thở thật sâu qua bụng, như cách một em bé hít thở vậy” – Arroll cho biết.
“Vấn đề là khi trưởng thành, chúng ta có thói quen thở nông qua phổi. Cách thở này khiến cảm giác stress và lo lắng trở nên trầm trọng hơn.”
“Khi thở sâu, chúng ta kích thích hệ thần kinh giao cảm, giúp giảm bớt cảm giác căng thẳng.”
2. Kiếm một việc gì đó để làm
Không phải là công việc, mà là những việc đơn giản thôi, nhưng cần đến sự tỉ mỉ của tay chân.
“Nghe thì có vẻ hơi sai, nhưng thực ra tập trung vào một việc đơn giản nào đó sẽ giúp tâm trí của bạn đỡ lo lắng hơn” – trích lời tiến sĩ Arroll.
“Việc đó cần phải đủ phức tạp để bạn phải tập trung, nhưng cũng đủ đơn giản để giúp bạn có được cảm giác đạt thành tựu gì đó. Ví dụ như chơi gấp giấy origami chẳng hạn.”
“Đan len cũng là một giải pháp tốt. Việc tập trung như vậy sẽ đưa bạn vào trạng thái giống như lúc thiền định.”
3. Áp dụng trí tưởng tượng phong phú
Trí tưởng tượng cũng là một yếu tố quan trọng giúp đưa bạn vào trạng thái thư giãn. Theo Arroll, đầu tiên hãy tưởng tượng về một nơi bạn cảm thấy thoải mái nhất. Nơi ấy có thể ở bất kỳ đâu: đồng quê, bãi biển, thậm chí là sân vườn nhà khi còn bé. Vấn đề là đó phải là nơi giúp bạn cảm thấy thoải mái nhất.
Hãy đảm bảo rằng hơi thở đang đều đặn. Khi đầu óc của bạn tràn ngập những hình ảnh như vậy, hãy ngưng nó lại và trở về thực tế. Bạn sẽ cảm thấy cơ thể và tâm trí thoải mái hơn hẳn.
4. Lên danh sách những việc cần làm
Một trong những lý do khiến chúng ta cảm thấy khó nghỉ ngơi thư giãn hoàn toàn là vì có quá nhiều vấn đề trong đầu. Việc phải nhớ ra những gì cần làm quả thực khiến tâm trí bạn luôn “lợn cợn”, chẳng thể nghĩ được điều gì khác.
Theo tiến sĩ Jen Nash, lúc này việc bạn cần làm là viết tất cả chúng ra. Không cần biết nó dài đến đâu, chỉ cần bạn trông thấy được những việc phải làm tưởng như dài vô tận cũng có điểm kết thúc là đủ để tâm trí trở nên thoải mái rồi.
Hơn nữa, việc viết kế hoạch cũng tạo ra một trạng thái tâm lý, rằng bạn đã thực sự lên kế hoạch cho những vấn đề đó. Rồi bỗng nhiên, tâm trí bạn sẽ được thư thái hơn, và thực sự tiến vào cảm giác thư giãn.