Nắm vững những nguyên tắc dưới đây, bạn sẽ không còn phải thở dài ngao ngán khi cho trẻ ăn nữa.
1. Để con bạn hiểu chúng là một phần của gia đình
Cha mẹ thường xuyên dành những khoảng thời gian đặc biệt để cho trẻ ăn vì thuận tiện hơn và đỡ ảnh hưởng đến bữa ăn chính của cả nhà. Tuy nhiên, chính điều này có thể cản trở việc ăn uống của con bạn. Nếu để bọn trẻ dùng bữa cùng người lớn, chúng có thể nhìn các thành viên khác trong gia đình ăn và trò chuyện, từ đó hình thành khái niệm và ý nghĩ về ăn uống.
Điều này có thể khó khăn trong thời gian đầu, nhưng các bậc phụ huynh nên hết sức kiên nhẫn. Dần dần, trong trí óc bọn trẻ sẽ mặc định rằng “mọi người trong gia đình ở cùng nhau, ăn cùng nhau”. Do đó, ngay từ hôm nay hãy để con bạn cùng tham gia bữa tối với gia đình, có thể là ngồi trên một chiếc ghế cao, hoặc thậm chí là ngồi trên đùi bạn, nhưng hãy để chúng cảm nhận được mình là một phần của gia đình này.
2. Chia sẻ đồ ăn của bạn với con cái
Nhiều bậc phụ huynh có xu hướng chuẩn bị đồ ăn riêng cho con mình, hoặc dọn cho chúng một đĩa cơm với các món ăn khác biệt. Dù biết rằng sở thích và khả năng tiêu hoá của trẻ đòi hỏi một thực đơn đặc biệt, nhưng việc cha mẹ chia sẻ đồ ăn với con cái sẽ giúp chúng “bình thường hoá” thói quen ăn uống của mình.
Vì vậy, hãy cố gắng dành thời gian trong bữa ăn để khiến bọn trẻ ngon miệng hơn. Bạn có thể nếm thử một chút đồ trong bát của chúng và nói “ăn thử đi con, ngon lắm?”. Điều cốt lõi là bạn phải giúp bọn trẻ tin rằng những thứ chúng ăn là hết sức bình thường, và không một lời nói nào lại thuyết phục hơn bằng chính việc bạn cũng ăn những món đó.
3. Trò chuyện với bọn trẻ về đồ ăn
Bạn đã từng nói với bọn trẻ rằng chúng đang ăn gì, và có bao giờ giải thích về lợi ích của những món đó chưa? Nhiều bậc cha mẹ có thói quen trò chuyện với con về lợi ích của từng món ăn. Nếu bạn thực sự nghiêm túc trong cách truyền tải sẽ khiến cho bọn trẻ tò mò và muốn ăn hơn.
Bạn có thể nói về các món ăn khác nhau, nên ăn nóng hay lạnh, và ăn uống sẽ khiến bọn trẻ thêm cao lớn và khoẻ mạnh như thế nào? Tất nhiên, bọn trẻ có thể không hiểu hết những gì bạn nói nhưng lâu dần sẽ hình thành những phản xạ và chỉ cần nhìn thấy bố mẹ với đĩa thức ăn trên tay, miệng liên tục nói và cười cũng sẽ làm chúng hứng thú và ăn nhiều hơn.
Ngoài ra, bạn cũng có thể để con cái xem mình chuẩn bị đồ ăn, giải thích từng công đoạn như gọt vỏ, thái, rửa. Với những đứa trẻ lớn, bạn thậm chí có thể để chúng củng tham gia việc nấu nướng với mình.
4. Những món trẻ không thích, hãy cho chúng ăn một phần ít mỗi lần nhưng thường xuyên
Đây là cách hiệu quả để khiến bọn trẻ ăn nhiều hơn những món chúng không thích, dù đó là rau hay thịt. Bạn hãy dọn một phần nhỏ thôi, nhưng hàng ngày, và cũng đừng ép chúng ăn. Nên kiên nhẫn cho đến khi con mình tìm được sự yêu thích đối với các món đó.
5. Luôn có sẵn một chiếc thìa cho bọn trẻ cầm
Nhiều gia đình cho tằng bọn trẻ không thể tự xúc ăn cho đến một độ tuổi nào đó. Tuy nhiên, bạn càng đưa thìa cho con bạn sớm bao nhiêu, chúng càng nhanh biết sử dụng bấy nhiêu. Hãy để chúng làm quen và thấy những vật dụng như đũa, thìa trở nên thân thuộc.
Bạn cũng có thể đầu tư những bộ đồ chơi gồm thìa và bát bằng nhựa, chúng sẽ giúp sớm hình thành tư duy độc lập trong ăn uống cho bọn trẻ.
6. Tạo ra một không gian hạnh phúc
Đây chính là chìa khoá của mọi vấn đề. Nhiều khi, cha mẹ không để ý rằng áp lực và thái độ của mình có thể tác động lên bọn trẻ. Tạo ra một không gian ấm cúng và hạnh phúc trong mỗi bữa ăn sẽ làm trẻ ăn nhiều hơn. Khi cho trẻ ăn, hãy nhớ luôn nở nụ cười để chúng thấy thoải mái nhất có thể.
Tất nhiên, để thành công thì yếu tố tiên quyết là sự kiên nhẫn. Hãy luôn nhớ phải dành nụ cười cho bọn trẻ, hãy để chúng tin rằng ăn uống là hạnh phúc, đặc biệt là khi có những người thân bên cạnh.