Lẽ ra tôi không định viết những dòng này. Nhưng suốt những ngày qua, mỗi lần đăng nhập vào Facebook(tôi coi Facebook như một kênh để tâm sự, “theo dõi” học trò), thấy bảng tin tràn ngập link video ghi lại phát biểu quá gay gắt của một cậu bé lớp 8, tôi không thể “nhắm mắt làm ngơ” được nữa.
Theo đoạn clip, màn diễn thuyết thần sầu, đầy kịch tính của cậu bé được diễn ra tại buổi hội thảo ra mắt sách Văn và Tiếng Việt lớp 6 của nhóm C.B ngày 12/8 vừa qua. Quan điểm “đổi mới, cải cách” của cậu có vẻ như khá hòa hợp với không khí của một buổi hội thảo giới thiệu hai cuốn sách giáo khoa đã được “đổi mới, cải cách”.
Nhưng sự thật có đơn giản như vậy? Trước khi clip được đăng tải, bạn có thực sự biết đến sự tồn tại của nhóm”C.B”?
Cậu bé lớp 8 với phát biểu: “khi nào con thành Bộ trưởng Bộ Giáo dục con sẽ làm.” |
Vế sau của câu tục ngữ “Trăm năm bia đá cũng mòn/Nghìn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ” nay phải đổi thành “Nghìn năm bia miệng tốt đường… kinh doanh” mới đúng. Khi hiệu quả truyền thông đã đạt được thì một vài tai tiếng miệng đời cũng đâu thấm tháp! Chắc hẳn nhiều bạn vẫn chưa quên chuyện một cô đồng nghiệp của tôi, sau khi bị tẩy chay tơi bời vì xưng mày tao và chửi học viên vẫn vui vẻ tặng áo phông in hình vẽ chế nhạo mình để quảng bá cho trung tâm Anh ngữ. Cuộc sống thường nhật tẻ nhạt khiến người ta dễ dàng bị thu hút bởi những chiêu trò gây sốc trên mạng xã hội. Giả sử người nói trong đoạn clip kia không phải là một cậu bé học lớp 8 mà là một người lớn tuổi bất mãn với xã hội, liệu cư dân mạng có xôn xao đến thế?
Hơn nữa, một cậu học trò lớp 8 dù thông minh cỡ nào, vâng, dù có là một học sinh của một trường chuyên nổi tiếng Hà Thành đi chăng nữa, cũng khó có thể thốt ra những lời mạt sát, nặng nề, chua ngoa như vậy. Về luận điểm so sánh cậu bé với các anh hùng tuổi trẻ, tài cao trong lịch sử đánh giặc ngoại xâm, tôi cho là hết sức khiên cưỡng. Thứ nhất, cậu bé đó chỉ nói suông chứ không dẫn chứng được mặt tối của nền giáo dục hoặc nêu ra ảnh hưởng của mặt tối đó lên quá trình học tập của cậu. Thứ hai, hoàn cảnh khó khăn, nghèo đói, áp bức, bóc lột trong thời chiến đã sinh ra một thế hệ anh hùng, từ trẻ em đến người già đều đứng lên đánh giặc.
Tôi biết, nền giáo dục của chúng ta vẫn còn nhiều yếu kém, nhưng lời em học sinh đó nói giống như một cái tát trời giáng vào sự cố gắng của tất thảy những người làm trong ngành giáo dục suốt những năm qua Trong đó có những người thầy dạy ở trường làng ngót nghét gần chục năm như tôi, có những người cô dũng cảm dẹp gia đình, người yêu, bè bạn qua một bên để mang cái chữ đến nơi rừng sâu, núi cao… cho trẻ em nghèo.
Còn các bạn, những người đang hào hứng, phấn khởi chia sẻ đoạn video với ý nghĩ “đến đứa con nít còn cảm thấy như thế thì sự thực chính là như thế”, rồi hùa theo rủa xả nền giáo dục có khi nào ngộ ra chính nền giáo dục ấy đã đưa các bạn đến vị trí hiện tại? Bạn có dám khẳng định những cuốn sách giáo khoa kia không hề đem lại chút hiểu biết nào cho bạn?
Tôi chợt nhớ tới cô bé từng viết thư hỏi Tổng thống Obama tại sao không in hình phụ nữ lên các đơn vị tiền tệ của Hoa Kỳ. Cô bé khẩn khoản đưa ra nguyện vọng của mình kèm theo danh sách 12 người phụ nữ mà cô bé thấy xứng đáng, không một tiếng mắng chửi, không đả kích lãnh đạo coi thường phụ nữ, chậm tiến hay không biết đường cải cách. Hoặc là cô bé đó được hưởng một nền giáo dục tân tiến, biết đề xuất giải pháp thay vì chỉ trích. Hoặc là cô bé đó không bị ai lợi dụng, nhồi nhét tư tưởng cực đoan vào đầu.
Ngay lúc này, tiếng nói sang sảng của cậu bé lại văng vẳng trong đầu tôi: “khi nào con thành Bộ trưởng Bộ Giáo dục con sẽ làm.” Thực giống câu nói: Nu-pa-ka-chi! (Hãy đợi đấy!) trong bộ phim hoạt hình Xô-Viết cùng tên. Đó là lời của nhân vật sói mỗi khi không bắt được thỏ, nghe như lời đe dọa trả đũa đầy quyết tâm, đầy cay cú nhưng rất tiếc, chỉ khiến người xem thích thú bật cười?!
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
Cộng điểm ưu tiên: Kiến thức không thể ban phát
Cái gì có thể ban phát, xin cho nhưng kiến thức, kỹ năng và phẩm chất thì không thể. Mình phải tự trang bị bằng nhiều cách. |