Nhắc đến bạo hành trước đây thì chúng ta thường nghĩ đến việc chị em phụ nữ Việt Nam trước đây chịu thiệt thòi khi phải thành nạn nhân của thói vũ phu. Nhưng hiện giờ, tình trạng vũ phu không còn nhiều nữa, nhất là tại các đô thị. Nếp sống văn minh khiến nam giới không còn dám thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với vợ hay bạn gái nhiều nữa. Nếu có thì rất dễ bị mời lên phường làm việc vì xã hội ta hiện giờ rất đề cao việc bảo vệ phụ nữ.
Tuy nhiên, có một dạng bạo hành khác đang là mối lo lớn cho chị em phụ nữ và pháp luật cũng như xã hội khó can thiệp hơn. Đó chính là bạo hành về tinh thần. Theo khảo sát của cơ quan phụ nữ LHQ tiến hành trong 2 năm với sự tham gia gần 570 bạn nữ từ 18-30 tuổi tham gia khảo sát, 59% bạn được hỏi cho biết từng chịu bạo hành về tinh thần. Bạo hành tinh thần không để lại dấu vết trên cơ thể như bạo hành thể xác nhưng lại để lại vết đau trong tâm hồn. Vết đau trên cơ thể có thể lành chứ vết đau trong tâm hồn thì khó chữa.
Ví dụ chỉ cần vợ hay bạn gái sơ ý làm gì không đúng ý là chồng hay bạn trai có thể nổi cơn tam bành, mắng chửi ầm ĩ, nhiếc móc khiến chị em bủn rủn chân tay, sơ sẩm mặt mày. Những câu mắng chửi dù không đau như tát nhưng mấy hôm sau không dám ra đường, làm cái gì cũng buồn bã lo âu thì so với ăn tát chỉ đau một lát còn dễ chịu hơn.
Điều đặc biệt, là những bạn trai hay chồng có học thức càng cao thì bạo hành càng thâm sâu hơn. Giống như những tay tra tấn siêu hạng có thể đánh người không dấu vết thì những vị này có thể nói năng nhẹ nhàng từ tốn nhưng đau và độc hơn kiểu mắng chửi om sòm nhiều. Ví dụ: Một anh chàng thạc sĩ về nhà thấy vợ nấu cơm không ngon thì chỉ cần ngọt nhạt là “mẹ sinh con gái mà không biết dạy con nấu ăn thì đúng là phụ nữ đoảng”. Như vậy, chẳng cần động đến ai là anh ta có thể khiến cho vợ đau cả đêm vì bị chê bai đến cả mẹ.
Với những vết đau thể xác thì còn có thể nhờ chính quyền hay họ hàng can thiệp chứ với vết đau tinh thần như vậy thì không thể. Chị em không biết làm cách nào để giải tỏa nỗi niềm thì chỉ còn biết nhịn nhưng càng nhịn thì càng uất ức, càng thấy nhục nhã. Chính vì vậy, khảo sát cho biết có 6% chị em đã từng nghĩ đến chuyện tự sát vì không chịu nổi bạo hành tinh thần.