Trao đổi với phóng viên báo Công Thương, ông Lưu Bách Chiến, Đội trưởng Đội Quản lý Thị trường số 2 cho biết, vào những tháng cuối năm, lợi dụng nhu cầu tiêu thụ hàng hóa của người dân tăng cao, các đối tượng vận chuyển buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng cũng gia tăng hoạt động.
Bên cạnh đó, hoạt động buôn bán hàng lậu, hàng giả… ngày càng diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi. Chẳng hạn, các đối tượng thường chia nhỏ, vận chuyển hàng hóa thành nhiều đợt để trốn tránh việc kiểm tra, kiểm soát của lực lượng quản lý thị trường.
Đặc biệt, tại khu vực quận Hoàn Kiếm là địa bàn có hoạt động thương mại sôi động, nhất là chợ Đồng Xuân, các phố Hàng Đào, Hàng Buồm, Hàng Giấy, Hàng Mã và một số điểm tập kết hàng hóa trên địa bàn phường Phúc Tân, Chương Dương… Có những thời điểm, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại tại chợ Đồng Xuân và các tuyến phố xung quanh chỉ do lực lượng quản lý thị trường và công an đảm nhiệm nên phải căng mình nắm đối tượng, địa bàn, nhằm ngăn chặn hàng hóa không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm vào khu vực chợ.
Chỉ tính riêng trong đợt 1 (từ ngày 15/11/2016-15/1/2017) thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường các tháng cuối năm theo kế hoạch số 2620/KH-QLTT ngày 11/11/2016 của Chi cục Quản lý Thị trường Hà Nội, Đội Quản lý Thị trường số 2 đã tiến hành kiểm tra, xử lý 86 vụ vi phạm, tổng số tiền phạt và trị giá hàng hóa tịch thu, buộc tiêu hủy trên 1,4 tỷ đồng.
Trong đó, có 20 vụ vi phạm hàng cấm, hàng nhập lậu với trị giá hàng hóa hơn 424 triệu đồng, phạt tiền trên 107 triệu đồng; 31 vụ buôn bán hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ với trị giá hàng hóa buộc tiêu hủy trên 162 triệu đồng, phạt tiền trên 205 triệu đồng; 29 vụ kinh doanh hàng hóa vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm với trị giá hàng hóa trên 348 triệu đồng, phạt tiền trên 164 triệu đồng.
Ngoài ra, còn một số vi phạm về đăng ký kinh doanh, định lượng trên nhãn hàng hóa. Hàng hóa vi phạm chủ yếu là thuốc lá, bánh kẹo, các mặt hàng thời trang “nhái” các nhãn hiệu nổi tiếng đã đăng ký bảo hộ tại Việt Nam…
Ông Chiến nhấn mạnh, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả là công việc phải triển khai thường xuyên, liên tục. Để tiếp tục ngăn chặn tình trạng vi phạm này, nhất là trong dịp Tết, các lực lượng quản lý thị trường Hà Nội, trong đó có Đội Quản lý Thị trường số 2 đã và đang tập trung kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; tăng cường kiểm tra, kiểm soát các tuyến đường giao thông, ga tàu, bến xe, kho hàng, các chợ đầu mối.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, truyền tải các thông tin, chính sách và quy định của nhà nước trong từng lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh, nâng cao ý thức pháp luật, trách nhiệm của người kinh doanh đối với cộng đồng và nhận thức của người tiêu dùng.
Bắt giám đốc buôn lậu hàng ngàn thùng rượu ngoại
Chiều 17.1, Công an tỉnh Bình Dương tạm giữ hình sự Đoàn Phi Vũ (39 tuổi, ngụ TP.HCM, giám đốc công ty TNHH Tân Sơn Nhất) và Kim Thế Cường (41 tuổi, ngụ TP.HCM) để làm rõ hành vi buôn lậu.
Theo đó, đêm 14.1, Cục CSĐT tội phạm về kinh tế, tham nhũng (C46) Bộ Công an phối hợp với PC46 Công an tỉnh Bình Dương kiểm tra 1 xe container và 5 chiếc xe tải khác (đang xuống hàng từ container) ở kho hàng của doanh nghiệp tư nhân Nam Thái (quốc lộ 13, P.Vĩnh Phú, TX.Thuận An, Bình Dương).
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên 1.049 thùng rượu ngoại nhập lậu (gần 10.000 chai), trên 1.000 thùng sữa, 99 thùng bài (52 lá)… tổng trị giá khoảng 7 tỉ đồng.
Vũ và Cường khai nhận sau khi hàng hóa được nhập lậu từ nước ngoài về rồi tập kết ở kho hàng của doanh nghiệp Nam Thái, Cường dùng kìm cộng lực phá vỡ niêm chì để dỡ hàng xuống các xe tải mang đi bán.
Ngoài ra, Vũ và Cường còn sử dụng một kho hàng ở Q.Thủ Đức (TP.HCM) làm nơi trung chuyển hàng nhập lậu, thiết bị điện máy đã qua sử dụng như: máy lạnh, máy giặt, tủ lạnh…
Công an tỉnh Bình Dương đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa, 5 xe tải và mở rộng điều tra.