Treo quảng cáo trên cột điện, cây xanh bị phạt đến 10 triệu đồng
Nghị định 28/2017 sửa đổi Nghị định 131 và 158 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực quyền tác giả, văn hóa, thể thao, du lịch, quảng cáo vừa được ban hành, và có hiệu lực từ 5/5.
Nghị định mới tăng mức xử phạt với nhiều hành vi, cụ thể như: Người có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ quảng cáo bằng cách treo, đặt, dán, vẽ quảng cáo trên cột điện , trụ điện, cột tín hiệu giao thông và cây xanh nơi công cộng sẽ bị phạt 5-10 triệu đồng (mức phạt trước đây là 1-2 triệu đồng).
Tương tự, những người có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo trên tờ rơi làm ảnh hưởng mỹ quan, trật tự an toàn giao thông, xã hội sẽ bị phạt tiền 5-10 triệu đồng.
Nộp phí sử dụng đường bộ không cần dừng xe
Từ 15/5, phương tiện giao thông đường bộ thuộc đối tượng chịu giá dịch vụ sử dụng đường bộ phải được gắn thẻ đầu cuối. Việc gắn thẻ đầu cuối phải được thực hiện tại các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới, các đại lý do nhà cung cấp dịch vụ thu giá ủy quyền. Chủ phương tiện không phải trả chi phí gắn thẻ đầu cuối cho lần lắp đặt đầu tiên; khi thẻ bị mất, hỏng, chủ phương tiện được gắn thẻ đầu cuối mới và phải trả chi phí cho nhà cung cấp dịch vụ.
(Quyết định số 07/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng; có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/5 quy định).
Công báo điện tử được khai thác miễn phí.
Học lực giỏi mới được dự tuyển đào tạo tiến sĩ
Từ 18-5, người dự tuyển đào tạo trình độ tiến sĩ phải có bằng thạc sĩ hoặc bằng tốt nghiệp ĐH loại giỏi trở lên, thay vì chỉ cần bằng tốt nghiệp ĐH loại khá trở lên như quy định hiện hành.
Ngoài ra, người dự tuyển còn phải đáp ứng các điều kiện: Là tác giả một bài báo hoặc báo cáo liên quan đến lĩnh vực dự định nghiên cứu đăng trên tạp chí khoa học hoặc kỷ yếu hội nghị, hội thảo khoa học chuyên ngành có phản biện trong thời hạn ba năm tính đến ngày đăng ký dự tuyển…
Đào giếng để xả nước thải bị phạt ít nhất 220 triệu đồng
Theo Nghị định 33/2017 NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản vừa ban hành, mức tiền phạt tối đa vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước là 250 triệu đồng (với cá nhân) và 500 triệu đồng (với tổ chức). Mức phạt trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản là một tỷ đồng (cá nhân) và 2 tỷ đồng (với tổ chức).
Cụ thể, phạt tiền từ 230 triệu đến 250 triệu đồng với cá nhân có hành vi khai thác, sử dụng nước dưới đất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ với lưu lượng từ 12.000 m3/ngày đêm trở lên…
Phạt tiền từ 220 triệu đến 250 triệu đồng với người xả nước thải vào lòng đất thông qua giếng khoan, giếng đào và các hình thức khác nhằm đưa nước thải vào trong lòng đất.
Nghị định có hiệu lực từ 20/5.
Công báo điện tử được khai thác miễn phí
Công báo điện tử do Văn phòng Chính phủ giữ bản quyền, Công báo điện tử cấp tỉnh do Văn phòng UBND cấp tỉnh giữ bản quyền; được đăng khi Công báo in phát hành và được khai thác miễn phí.
Cơ quan Công báo phải lưu giữ vĩnh viễn 1 ấn phẩm/số Công báo in đã xuất bản, phát hành, được đóng quyển theo từng năm; lưu giữ văn bản gửi đăng Công báo (văn bản chính và bản điện tử) theo từng năm, đảm bảo khoa học, thuận tiện cho việc tìm kiếm, đối chiếu trong 5 năm. UBND xã, phường, thị trấn được cấp phát Công báo có trách nhiệm quản lý, lưu giữ và tổ chức việc sử dụng ấn phẩm Công báo; thời hạn lưu giữ do UBND cấp tỉnh quyết định.
(Thông tư 01/2017/TT-VPCP của Văn phòng Chính phủ về việc hướng dẫn thực hiện quy định về Công báo có hiệu lực từ ngày 15/5 quy định).