Mấy hôm nay, trên mạng Facebook liên tục chia sẻ hình ảnh, video một người đàn ông tuổi trung niên đi khắp nơi để tìm đứa con trai bị thất lạc.
Đi tới đâu, người đàn ông này cũng dán ảnh con trai cùng số điện thoại của mình trên tường nhà, cột điện rồi quỳ lạy, cầu nguyện cho đứa con thất lạc được bình an.
Người cha đi khắp nơi tìm con ấy là anh Phạm Trọng Hiển (SN 1977, ngụ xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP.HCM).
Trao đổi với PV VTC News, anh Hiển cho biết, đứa bé mà anh đang ngày đêm đi tìm là cháu Phạm Hiền Quang Minh (đứa con trai mới hơn 2 tuổi của anh), mất tích tối 12/10/2016.
Nhắc đến đứa con tội nghiệp của mình, anh Hiển không cầm được nước mắt vì thương nhớ. “Đã 2 tháng nay, tôi bỏ việc chạy khắp nơi đi tìm con nhưng không thấy. Thương con, đêm về tôi không ngủ được, cứ nhắm mắt lại thấy hình ảnh con gào khóc gọi bố trong vô vọng” – anh Hiển nghẹn ngào.
Anh Hiển cho biết, sự việc xảy ra vào tối 12/10. Sau khi cho 2 đứa con trai ăn uống, tắm rửa xong, anh chạy ra quán tạp hóa gần nhà mua mì tôm.
Ít phút sau, khi trở về, anh Hiển chỉ thấy con trai lớn Phạm Hiển Gia Long (hơn 3 tuổi) buồn bã ngồi bên góc nhà.
Linh tính chuyện chẳng lành, anh chạy tìm khắp các ngõ ngách, đi đến đâu cũng hỏi người dân về tung tích của con nhưng vô vọng.
Lúc xảy ra sự việc, anh Hiển cũng đã trình báo với cơ quan chức năng nhưng đã 2 tháng trôi qua vẫn không hề có chút manh mối.
“Người tôi giờ kiệt quệ, rã rời nhưng vẫn cố nén cơn đau để tìm con. Tôi lo lắm, sợ cháu bị kẻ xấu bắt cóc, hãm hại thì tôi không sống nổi”, anh Hiển đau đớn nói.
Theo lời kể của ông bố này thì vợ anh đã bỏ nhà đi biệt tích hơn nửa năm nay, cuộc sống gia đình vô cùng khó khăn khi một tay anh phải cố gắng nuôi 2 đứa nhỏ.
Anh phải xin làm ở những công trình xây dựng gần nhà để có thời gian chăm sóc, đưa đón con đi học. Không ngờ, chỉ một phút sơ sẩy, anh đã để lạc mất đứa con trai bé bỏng.
Ngoài khả năng con bị kẻ lạ bắt cóc, anh Hiển cũng không loại trừ khả năng vợ mình là chị Nguyễn Thị Hiền – có quan hệ làm ăn với người nước ngoài (Đài Loan, Trung Quốc) bắt giữ.
“Một người vợ đã ruồng bỏ chồng cùng 2 con nhỏ thì không chấp nhận được. Đã vậy, nếu còn bắt cóc con, mà không nói gì cho tôi biết thì không thể nào dung thứ được”, anh Hiển bức xúc.
Anh Hiển cho biết thêm, những ngày qua có rất nhiều cuộc điện thoại gọi đến chia sẻ, bày tỏ sự đồng cảm với gia đình. Tuy nhiên, cũng có một số cuộc gọi đến đe dọa, nói là đang giữ con anh, đòi tống tiền.
“Có một số điện thoại lạ gọi đến nói rất nhanh, đòi tôi phải đưa 10.000 USD rồi sang Campuchia chuộc người về nếu không đừng hòng gặp lại con”, anh Hiển cho hay.
Hiện tại, anh Hiển đang rất đau khổ, mong sớm tìm thấy cháu Quang Minh. Ai thấy cháu hoặc biết tung tích cháu ở đâu xin liên hệ về gia đình theo số điện thoại 01266.341.243 hoặc báo cho công an, chính quyền địa phương nơi gần nhất.
Cách đề phòng nạn bắt cóc trẻ em
Nạn bắt cóc trẻ em đang ngày càng rộ lên và trực tiếp gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, đơn cử như vụ hai cháu bé bị cưỡng hiếp và giết chết ngay gần nhà nghi phạm đang xôn xao gần đây hay cháu bé bị bắt cóc và dẫn qua Trung Quốc rồi mang thai. Do đó, việc phòng ngừa nạn bắt cóc trẻ em cần phải được các gia đình thắt chặt hàng ngày!
Theo trung tá, TS Hà Thị Hồng Lan (Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và điều tra tội phạm, Học viện CSND), bắt cóc trẻ em là một loại tội phạm rất nguy hiểm, gây lo lắng, bức xúc trong dư luận xã hội, có xu hướng gia tăng và ngày càng tinh vi, manh động, liều lĩnh. Các đối tượng bắt cóc thường nhằm mục đích tống tiền (chiếm đoạt tài sản) hoặc trả thù cá nhân, trong đó mục đích chiếm đoạt tài sản là chủ yếu.
Cha mẹ nên nhắc nhở các bé nhất quyết không đi theo người lạ nếu không được dặn trước. Ngoài ra, cần tránh xa những kẻ có dấu hiệu đi theo con, dù kẻ đó đang đi bộ hay đi xe máy/ô tô… Ngoài ra phải thật cẩn thận với những lời nhờ giúp đỡ. Cha mẹ nên cảnh báo các bé rằng chẳng có người lớn khỏe mạnh nào nhờ trẻ nhỏ giúp đỡ cả. Bất cứ người lạ nào nói với bé những câu như: Bố mẹ cháu đang gặp tai nạn, để cô/chú/bác/… đưa cháu đi đến chỗ bố/mẹ ngay; hoặc con chó của chú đang bị lạc, con cùng đi tìm giúp chú nhé; có bạn muốn gặp con, bạn nhờ cô nhắn con ra ngoài đó… Những câu này đều dặn trẻ không nghe theo và lập tức thông báo với bố mẹ hoặc cô giáo, thầy giáo.
Ngoài ra, cha mẹ nên mô tả cho các bé những “người lạ an toàn” như các chú cảnh sát giao thông, bảo vệ… Cần tránh xa những người cố tình đưa bé đi đâu đó, tốt nhất là dạy bé nên hét lên “đây không phải là cha mẹ cháu” trong trường hợp này. Tập bé thói quen đi thưa về gửi, nhắc nhở con không ai được phép chạm vào “vùng kín” của con và con cũng không được phép chạm vào “vùng kín” của bất cứ ai…
Hãy tập cho bé từ những thói quen nhỏ, bạn sẽ tránh được cho bé những hiểm họa lớn về sau!