Trong thời gian từ cuối tháng 9 và tháng 10, Sài Gòn liên tục sống trong cảnh bì bõm vì nước triều cường dân cao lại kết hợp với mưa to. Tưởng rằng sang tháng 11 thì sẽ hết cảnh bì bõm nhưng cơn mưa to chiều tối 5.11 lại khiến nhiều người dân Sài Gòn mất toi ngày nghỉ để ở nhà lo vệ sinh.
Từ 20g tối 5/11, hầu hết khu vực TP.HCM bắt đầu chuyển mưa dầm, càng lúc càng nặng hạt. Mưa kéo dài hơn 2 giờ đã khiến một số tuyến đường của thành phố ngập sâu trong nước. Quận 5 ghi nhận có nơi ngập nửa mét hay gần bến xe Chợ lớn thì cũng ngập nửa bánh xe.
Mưa gây ngập nghiêm trọng ở khu vực Nam Sài Gòn, nơi có địa thế thấp so với thành phố. Lượng mưa lớn không chỉ làm ngập các tuyến đường mà còn xâm lăng các ngõ hẻm, tràn vào nhà dân. Bà V ở hẻm 1982 Huỳnh Tấn Phát – Nhà Bè cho biết: “Nhà tôi mấy năm trước không bao giờ bị mưa vào sân vì cao hơn mặt đường nửa mét. Nhưng sau mấy lần nâng đường, nâng hẻm thì chỉ còn cao hơn 20 phân. Đợt mưa tháng trước nước mưa không chỉ vào sân mà còn vào nhà, hôi thối vô cùng”.
Không ít người đã phải tiếp tục nâng nền dù mới xây nhà được 5 năm để đáp ứng với tình hình mới. Tuy nhiên, nhiều hộ phải chịu cảnh sống chung với lũ vì không có tiền nâng nền hoặc trần nhà quá thấp. Có nhiều nhà tìm cách chống nước mưa ở ngoài đường bằng việc xây “đê” chắn ở ngoài sân nhưng nước lại tràn lên từ khe gạch, nhà tắm lên nên việc giữ khô trong nhà coi như thất thủ.
Sáng 6.11, nước đã rút khỏi các nhà dân bị ngập các hẻm vẫn còn chưa rút hết nước. Ngoài việc ảnh hưởng đến sinh hoạt thường ngày thì nước ngập khiến nhiều người lo lắng về bệnh dịch. Lúc này, TP.HCM đang báo động về tình trạng dịch bệnh do nhiễm virus Zika.
Theo cơ quan chức năng, bệnh Zika đang tăng nhanh ở TP.HCM và cuối tuần trước đã phát hiện 20 trường hợp bị nhiễm Zika. Hình thức lây nhiễm chủ yếu của virus Zika là qua muỗi. Khánh Hòa cũng có nghiên cứu xác nhận tỉ lệ muỗi tự nhiên mang virus Zika còn cao hơn gấp đôi so với tỉ lệ muỗi mang mầm bệnh sốt xuất huyết vốn là căn bệnh đã lưu hành nhiều năm ở VN.
Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế nhận định số ca mắc và địa bàn có người mắc Zika ở VN sẽ còn lan rộng, đặc biệt là ở khu vực phía Nam vì “Mưa nhiều, đô thị hóa và thời tiết nóng – ẩm là điều kiện để muỗi vằn phát triển”.
Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM khuyến cáo các gia đình cần tổng vệ sinh môi trường, phun hóa chất trên diện rộng, ngành y kêu gọi mỗi người, mỗi nhà tự diệt muỗi, diệt loăng quăng, phòng muỗi đốt. Nhưng với tình hình mưa là ngập, nhất là các khu đất trống sát nhà dân hiện giờ thì diệt muỗi kiểu gì đây.