Muốn xỉu vì… tẩm bổ
Dù là ai, làm nghề gì, khi đã làm mẹ, bất cứ phụ nữ nào cũng mong muốn sinh ra đứa con khỏe mạnh, thông minh. Chẳng thế mà, trong thai kỳ, nhiều người sẵn sàng chi những khoản tiền lớn để mua các loại thuốc, sữa hay thực phẩm tốt cho não bộ thai nhi. Thực tế, không chỉ có người giàu mới “chạy đua” mà cả những người có thu nhập trung bình cũng gắng hết sức trong “trận chiến” này.
Chị Nguyễn Thu Hoa (Cầu Giấy, Hà Nội) đang mang thai ở tháng thứ 6 của thai kỳ. Trong căn phòng thuê nhỏ chật chội của chị, cơ man nào là sữa, là thuốc… Chiếc tủ lạnh bé xíu xiu cũng chất đầy trứng ngỗng, cá chép, bồ câu…
“Tất cả những thứ này đều do mẹ chồng ở quê gửi lên tẩm bổ cho cháu đích tôn chứ vợ chồng tôi lấy đâu ra tiền để mua”, chị cười xòa. Chỉ vào cái bụng cồng kềnh của mình, chị tiếp: “Hễ thấy ai bảo ăn cái gì tốt cho thai phụ, uống cái gì giúp bé thông minh là bà lại lặn lội tìm mua bằng được rồi gói ghém gửi xe lên. Chẳng biết con sau này có sáng dạ hơn người không, chứ tôi giờ đã thấy oải lắm rồi. Mấy tháng nay, tôi không được ăn những món mình thích mà toàn phải ăn những món có thể giúp bé trong bụng tăng cường trí thông minh”.
Câu chuyện của chị Hoa có lẽ chẳng lạ lẫm gì với mỗi chúng ta. Tôi có chị bạn cũng vừa trải qua thai kỳ. Chị kể, nghĩ lại lúc mang thai vẫn thấy rùng mình. Quê chồng chị từ lâu vẫn có quan niệm bà bầu phải ăn nhiều trứng ngỗng thì con mới thông minh. Thế là từ khi biết tin có bầu, cứ cách ngày chị lại phải ăn một quả trứng ngỗng. Lúc đầu thì còn hào hứng cố gắng vì con, song ăn nhiều quá, chỉ cần ai nhắc đến từ “trứng” là chị đã nổi da gà.
Ấy vậy mà chồng với mẹ chồng vẫn cứ ép ăn bằng được. Cho đến một lần, chị bị nghẹn trứng, mắt mũi trợn ngược lên, cả nhà sợ quá mới bảo thôi. Nhưng lúc đó, cũng chỉ còn một tuần nữa là đến kỳ sinh nở rồi. “Chả hiểu con thông minh hơn được bao nhiêu nhưng mẹ nó thì suýt chết. Nếu cứ thế này chắc tôi chẳng dám sinh đứa nữa”, chị thở dài.
Con muốn thông minh, trước hết phải khỏe mạnh
“Ăn gì để con thông minh” có lẽ là câu hỏi muôn đời của các thai phụ. Chẳng ngoa khi nói rằng: bầu bì là thời kỳ các mẹ “chạy đua vũ trang” trong việc bổ sung các sản phẩm chứa DHA như sữa, thuốc… Không những vậy, trứng ngỗng, cá chép, cá hồi… cũng được tăng cường tối đa với hi vọng con sinh ra sáng láng hơn người. Tuy nhiên, những thứ này có thật sự giúp trẻ trở nên thông minh?
Trả lời câu hỏi này, Tiến sĩ, Bác sĩ Hồ Thu Mai, trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec cho rằng: thực sự không có một dưỡng chất nào tối ưu trong việc bồi bổ trí não của thai nhi. Ngay cả DHA – chất được tìm thấy trong não bộ của chúng ta, nếu bổ sung quá nhiều không những không tốt mà còn làm tổn thương tế bào não.
Hơn nữa, nếu chỉ được bổ sung DHA mà bỏ quên các chất dinh dưỡng khác, đặc biệt là dầu mỡ thì tác dụng của chất này cũng khó được phát huy. Do đó, bạn chỉ nên bổ sung khoảng 200mg DHA/ngày, phần còn lại dành cho các loại vitamin và khoáng chất khác.
Vẫn theo Tiến sĩ Mai, thai nhi muốn thông minh, trước hết phải khỏe mạnh. Mà muốn con khỏe mạnh, chế độ dinh dưỡng của mẹ phải hoàn hảo, tức là phải luôn phải đầy đủ 4 nhóm chất: bột đường, chất béo, chất đạm, vitamin và khoáng chất.
Thực ra, không có thực phẩm nào tốt hơn thực phẩm nào, mỗi thực phẩm sẽ cung cấp một dưỡng chất khác nhau nên để đảm bảo cho sự phát triển toàn diện của trẻ, mẹ bầu cần sử dụng đa dạng các loại thực phẩm. Các chất dinh dưỡng cũng nên bổ sung bằng cách sử dụng thực phẩm tự nhiên thông qua chế độ ăn uống, không nên lệ thuộc vào các loại thuốc bổ hay thực phẩm chức năng…
Nhiều người có suy nghĩ, khi mang thai phải ăn thật nhiều đồ ngon, đồ bổ thì mới tốt cho sự phát triển của con, tuy nhiên, điều này không thực sự đúng. Quá nhiều chất dinh dưỡng sẽ dẫn tới thừa, từ đó nảy sinh nhiều bệnh ở mẹ như: tiểu đường, mỡ máu, tim mạch, sinh non… Một khi sức khỏe của mẹ không tốt sẽ khiến con không khỏe mạnh. Và điều này không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất mà trí não của trẻ cũng trí não của bé cũng bị tác động ít nhiều.
Bàn về vấn đề các thực phẩm như: trứng ngỗng, cá chép… có thực sự giúp thai nhi phát triển trí não hay không, Tiến sĩ Mai khẳng định: đây là thông tin không có cơ sở. Bởi như đã phân tích ở trên, không có bất cứ thực phẩm nào là tốt nhất cho sự phát triển của thai nhi. Bất cứ thứ gì bổ sung quá nhiều đều gây hại cho sức khỏe, đồng thời ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện nên khi mang thai không nên ưu tiên cái này, xem nhẹ cái kia.
Hơn nữa, các phân tích về dinh dưỡng thậm chí đã chỉ ra rằng: trứng ngỗng còn kém dinh dưỡng hơn cả trứng gà. Vì thế, chẳng có lý do gì khi mang bầu, chúng ta nhất định phải ăn trứng ngỗng hay cá chép…, nhất là khi bạn không cảm thấy ngon miệng.
Vẫn biết, ai cũng muốn sinh ra những đứa con thông minh, thế nhưng, điều này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như: gen di truyền, môi trường giáo dục, sự cần cù, chăm chỉ của mỗi trẻ…, thế nên, theo Tiến sĩ Mai, khi mang thai, điều quan trọng nhất với các mẹ bầu không phải là: liệu sau này trí tuệ thế nào, mà phải là con sinh ra có khỏe mạnh hay không?