Sốt là phản ứng có lợi
Sốt là hiện tượng xảy ra khá phổ biến ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi. Khi thấy thân nhiệt của trẻ tự nhiên tăng cao kèm theo hiện tượng quấy khóc, nhiều người cho rằng sốt là một bệnh. Tuy nhiên, sự thật không phải vậy.
Về bản chất, sốt chỉ là một dấu hiệu cảnh báo các căn bệnh khác. Điều đó có nghĩa là khi cơ thể bị vi khuẩn tấn công, hệ thống đề kháng sẽ khởi động, từ đó khiến thân nhiệt tăng cao và gây sốt. Chính vì thế, có thể ví von rằng: sốt là phản ứng phụ trong “cuộc chiến chống quân xâm lược” của các tế bào. Và như thế, sốt hoàn toàn có lợi cho cơ thể.
Cũng bởi không hiểu rõ bản chất, thế nên, nhiều người cảm thấy vô cùng lúng túng khi bỗng dưng một ngày không hiểu vì sao trẻ lại “đùng đùng sốt”. Đa phần, khi thấy con bị như vậy, bố mẹ chỉ nghĩ đến cách làm thế nào để có thể hạ sốt nhanh nhất, thậm chí có không ít người cứ thấy con sốt là lại mua kháng sinh về uống. Cách xử lý này khiến trẻ gặp phải nhiều biến chứng với kháng sinh như: cơ thể mệt mỏi, tiêu chảy, nhờn thuốc, đau dạ dày…
Thực tế, khi trẻ bị sốt, việc duy nhất chúng ta cần làm là theo dõi các biểu hiện, nếu thấy các bất thường như: lì bì, mệt mỏi, nôn,… cần đưa trẻ ngay tới cơ sở y tế. Trong trường hợp trẻ sốt cao nhưng vẫn chơi đùa, hành động nhanh nhẹn,… thì chỉ cần uống thuốc hạ sốt hoặc làm mát là được. Nếu cần sử dụng kháng sinh, phải tuân theo chỉ định của bác sĩ.
Dễ hôn mê, tử vong vì mất nước
Cho trẻ ăn nhiều đồ dinh dưỡng, ăn thêm các loại quả để tăng cường vitamin và khoáng chất,… đó là những cách mà cha mẹ thường thực hiện mỗi khi con bị sốt. Thế nhưng, như thế vẫn chưa phải là chăm sóc trẻ đúng cách. Tại sao vậy?
Theo bác sĩ Đoàn Văn Phúc, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Hà Nội, có một sự thật mà ít người biết, đó là, khi bị sốt, trẻ cũng rơi vào tình trạng mất nước, chủ yếu qua 2 đường: mồ hôi và hơi thở.
Điều này liên quan đến cơ chế của thải nhiệt. Khi sốt cao thì tự động chúng ta sẽ thở nhiều hơn để giảm nhiệt. Đồng thời, nếu uống hạ sốt thì bao giờ cơ thể cũng ra mồ hôi. Và như vậy, chúng ta sẽ mất nước và mất điện giải. Khi đó, để cân bằng lượng nước và điện giải trong cơ thể, nhất thiết phải bù lại nước, thông thường nhất bằng cách uống các dung dịch oresol, hydrid,… Nhiều trường hợp mất nước nhiều quá sẽ phải truyền nước biển.
Ắt hẳn, nhiều người sẽ hỏi: tại sao khi mất nước, chúng phải dùng các dung dịch như oresol, hydrid,… mà không sử dụng nước lọc? Thực tế, tác dụng lớn nhất của các dung dịch này không chỉ là bù nước mà là bù điện giải. Nếu chỉ sử dụng nước lọc thông thường, chúng ta có thể bù được nước, nhưng lại làm cho nồng độ điện giải trong cơ thể vốn đã ít lại càng trở nên loãng hơn. Lúc này, trẻ sẽ càng cảm thấy mệt mỏi, thậm chí còn hôn mê, tử vong.
Pha Oresol không đúng cách: Nguy cơ teo não
Bàn về việc sử dụng dung dịch điện giải, bác sĩ Phúc cho rằng, cách dùng tuy đơn giản nhưng không ít người lại thực hiện sai. Theo đó, thông thường, một gói nhỏ oresol hay hydrid,… sẽ được hòa với 1 lít nước, nhưng nhiều mẹ lại cho trẻ uống “đặc” hơn với lý do: đỡ phải cho trẻ uống nhiều lần. Điều này vô tình làm hại trẻ.
Sở dĩ như vậy là vì, khi đó, nồng độ muối trong dung dịch sẽ cao, dẫn đến nước trong tế bào phải thoát ra ngoài để cân bằng. Và lúc này cơ thể lại rơi vào tình trạng mất nước. Nếu kéo dài, trẻ có thể bị biến chứng teo não, hay tử vong nếu không cấp cứu kịp thời. Chính vì vậy, khi pha dung dịch bù nước, chúng ta nhất định phải tuân theo đúng hướng dẫn ghi trên bao bì sản phẩm, không ít hơn và cũng không nhiều hơn.
Ngoài sai lầm trên, nhiều người còn chia nhỏ dung dịch điện giải ra để dùng dần cho đỡ lãng phí vì thực tế, gần như chẳng bao giờ trẻ có thể uống hết 1 lít nước ấy trong một ngày. Cách làm này tưởng tiết kiệm mà lại là lãng phí. Nguyên nhân là bởi chúng ta không thể chia đều lượng oresol có trong mỗi gói được. Điều này dẫn đến tình trạng dung dịch đã pha hoặc loãng quá, hoặc đặc quá. Thế nên, dù rất muốn nhưng cũng không nên chia nhỏ gói ra.
Ngược lại với trường hợp không để ý đến bù nước cho con, nhiều mẹ lại nghĩ rằng uống bù nước chỉ có lợi chứ không hại nên luôn tìm cách cho trẻ uống càng nhiều càng tốt. Nếu trẻ chỉ bị mất nước và điện giải độ I với biểu hiện: mệt mỏi, da khô, tiểu ít… (không có biểu hiện đau đầu, chóng mặt, mặt xám, rối loạn thần kinh…), chúng ta không nhất thiết phải ép trẻ uống quá nhiều. Uống quá nhiều dung dịch bù nước, vượt ngưỡng cần bù cũng không có lợi, nhất là trong dung dịch oresol, hydryd,… thường có kali – một thành phần có thể gây tác dụng bất lợi cho tim.
Ngoài ra, khi sử dụng bù nước cho trẻ, bạn cũng cần lưu ý chỉ nên sử dụng dung dịch đã pha trong ngày. Nếu trẻ không dùng hết thì phải bỏ đi, không nên để sang ngày hôm sau vì nó có thể bị lên men, nhiễm khuẩn do nó có đường tỷ lệ thấp. Việc tiếp tục cho trẻ uống sẽ khiến đường tiêu hóa “lãnh hậu quả” và có thể dẫn tới tiêu chảy cấp.