Một thử nghiệm cho thấy hội chứng jet lag có thể phá vỡ sự trao đổi chất của gan, dẫn đến cơ thể tích tụ các chất nguy hiểm như chất béo và acid mật, là những yếu tố làm tăng cao nguy cơ ung thư.
Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí Cancer Cell, các nhà khoa học thử nghiệm sử dụng ánh sáng để kiểm soát các mô hình giấc ngủ của con chuột, nhằm mô phỏng sự xáo trộn nhịp sinh học của cơ thể con người sau khi bay qua nhiều múi giờ khác nhau.
Nhóm nghiên cứu tại Đại học Y Baylor thấy rằng những con chuột này tăng cân, phát triển bệnh gan nhiễm mỡ và nhanh chóng chuyển sang giai đoạn viêm mãn tính, đặc biệt trong một số trường hợp còn bị ung thư gan.
Giáo sư David Moore thuộc Đại học Y Baylor cho biết: “Ung thư gan đang gia tăng trên toàn thế giới và qua nghiên cứu trên con người hiện tại, những bệnh nhân hoàn toàn có thể chuyển từ giai đoạn bệnh gan nhiễm mỡ đến ung thư gan mà không cần bước qua giai đoạn trung gian là xơ gan.”
Các nghiên cứu trước đó cũng cho thấy một nguy cơ tăng khả năng bị ung thư gan là do thời gian làm việc bất kể giờ giấc, đặc biệt là thức đêm.
Theo nghiên cứu ung thư Vương quốc Anh, số ca tử vong vì ung thư gan đã tăng gấp 3 lần kể từ năm 1970, chỉ có khoảng 10% người bệnh sống sót trên 5 năm. Khoảng 6.000 người ở Anh hiện đang được chẩn đoán mắc bệnh này mỗi năm.
Những biện pháp giúp phòng tránh Jet Lag:
Uống thật nhiều nước, tuyệt đối không uống rượu hoặc cà phê trước giờ bay.
Nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt.
Tự điều chỉnh đồng hồ sinh học quen dần với múi giờ của nơi sẽ đặt chân đến.