Đã rất lâu kể từ khi những tên tuổi từng gây chấn động sàn đấu châu lục lẫn thế giới như Lý Đức, Phạm Văn Mách, Nguyễn Hải Âu hay Nguyễn Thị Mỹ Linh, Đinh Kim Loan còn được đông đảo người hâm mộ cả nước nhớ tới. Thế hệ đàn em của họ ngày càng trở nên “xa lạ” với công chúng dù kết quả thi đấu có ấn tượng hơn và đây là một nghịch lý không dễ đưa ra lời giải đáp. Thành tích của các lực sĩ này thoảng qua nhanh cơn gió chỉ trên một vài tờ báo, kênh truyền hình và không bao giờ được nhắc lại vào mỗi dịp cuối năm khi các cuộc bình chọn được mở ra nhằm tôn vinh đóng góp của lực lượng VĐV thể thao trong suốt 12 tháng trước đó.
Tính trên mặt bằng chung, thể hình chính là một trong số ít môn thể thao thời thượng khi hệ thống phòng gym chuyên biệt được mở khắp nơi, trang thiết bị tập luyện hiện đại, giáo trình phong phú, chưa kể học viên có đủ mọi phương tiện hỗ trợ từ thực phẩm chức năng bổ sung, thuốc tăng cơ, làm khô cơ thể cho đến các phương pháp hồi phục đặc biệt.
Người tập luyện đông đảo, lực lượng HLV, hướng dẫn viên ngày càng sống dư dả hơn với nghề nhưng để chọn con đường trở thành một “kiến càng” chuyên nghiệp, dường như bất kỳ ai cũng dùng dằng, xem lại sự can đảm của chính mình trước khi gật đầu nói “Có”. Ăn tập kham khổ, khi có giải thì không phải ai cũng có thể tranh tài theo con đường chính thức, đặc biệt là các VĐV nữ. Cánh cửa đội tuyển chỉ mở ra cho một vài cá nhân mà trình độ đã ở đẳng cấp “thượng thừa”, còn lại tất cả đều phải cân nhắc, tính toán từ vé máy bay, nơi ăn nghỉ và cả khả năng tranh chấp huy chương để có thể lấy lại “khoản đầu tư” này từ tiền thưởng theo chế độ nhà nước nếu thi đấu thành công.
Quá khứ lẫy lừng
Xét về hiệu quả, khó có môn thể thao nào “qua mặt” được thể hình. Nếu như ông Huỳnh Anh đang nắm giữ kỷ lục khó phá của thể thao Việt Nam khi có trên 20 năm đảm đương cương vị HLV trưởng đội tuyển quốc gia thì thể hình cũng là môn hiếm hoi không cần tập huấn nước ngoài, chẳng cần HLV ngoại hay kể cả… thuê ngoại binh mà năm nào cũng mang về hàng chục ngôi vô địch, từ sân chơi Đông Nam Á, châu lục cho đến sàn đấu thế giới.
Kể từ lần “trình làng” Giải Vô địch quốc gia lần đầu tiên vào năm 1993 tại TP HCM, thể hình ngày càng hoàn thiện hệ thống thi đấu chính thức, lần lượt được bổ sung Giải Vô địch Các câu lạc bộ toàn quốc, Giải Vô địch nữ và lão tướng quốc gia, Giải Vô địch Fitness và Lực sĩ đẹp quốc gia, Giải Vô địch Trẻ toàn quốc… Sự phát triển đa dạng các loại hình tập luyện trong nửa thập niên trở lại đây càng làm phong phú hơn các cuộc tranh tài mà mới nhất là hai sân chơi VMS Big Man hay NABBA/WFF xuất hiện tại TP HCM.
Nhắc đến TP HCM, không ai không biết đến đây chính là “cái nôi” của bộ môn thể hình Việt Nam, xuất hiện từ những năm đầu thế kỷ 20. Sau khi Giải Vô địch quốc gia lần đầu tiên vào năm 1993 tại hí trường Đại Thế giới (Q.5), TP HCM chính là nơi sản sinh nhiều gương mặt tiêu biểu của thể hình. Khắp thành phố, nơi đâu, quận huyện nào cũng có các phòng tập tạ – thể hình mà “hạt nhân” không ai khác hơn các thành viên đội tuyển TP.HCM thời bấy giờ, như “lò” Lý Đức (Q.1), Trương Quan Thanh (Q.10), Phạm Ngọc Thu (Q.5), Cao Quốc Phú (Tân Bình, Tân Phú)… Với hơn 200 “vệ tinh” chuyên đào tạo từ cơ sở đầy uy tín như thế, không có gì khó hiểu khi thể hình TP.HCM gần như độc diễn ở vũ đài quốc nội với lực lượng áp đảo về số lượng lẫn chất lượng chuyên môn. Họ thâu tóm mọi vinh quang, từ sân chơi dành cho những gương mặt mới nổi, những lão tướng đã qua thời kỳ sung sức cho đến giải đấu của những kiến càng thực thụ. Kể cả khi thể hình nữ manh nha phát triển giai đoạn 1996 – 1997, cũng TP.HCM là nơi đầu tiên phất cao “ngọn cờ nữ quyền” với nhiều gương mặt sáng giá như Ngô Ngọc Ngân Hà, Quách Ngọc Thùy Dung, Lê Thị Hương Giang…
Khi chế độ dành cho các địa phương ở mức vài trăm nghìn đồng (thời điểm 2003 – 2006) thì các thành viên đội tuyển TP HCM đã nhận trên 1 triệu đồng. Nhiều VĐV trong quá trình chuẩn bị tham dự giải vô địch toàn thành đã sẵn sàng bán cả chiếc xe máy hoặc tài sản có giá trị để kiếm đủ tiền cho chế độ dinh dưỡng đặc biệt trước giải. Mục tiêu của họ không phải là một tấm huy chương vì phần thưởng bằng hiện kim kèm theo vốn rất ít ỏi mà chủ yếu là có thành tích để “kiếm suất” vào đội tuyển thành phố với tiền lương và tiền công lao động rủng rỉnh hơn trong trọn năm!
Được vào tuyển TP HCM đã là “một ước ao, một khát khao” thì vào đội tuyển quốc gia khi ấy là vinh dự không gì sánh bằng. Các tuyển thủ tập huấn suốt từ ngày 1-1 đến 31-12 hàng năm, năm nào cũng mang về độ chục tấm HCV, khu vực có, châu lục và thế giới cũng không ngoài tầm tay. Lý Đức giai đoạn hoàng kim 7 lần liên tiếp vô địch châu Á và Á vận hội; Phạm Văn Mách trong khoảng thời gian thi đấu cho TP HCM cũng có đến 3 ngôi vô địch thế giới, chưa kể Nguyễn Văn Lâm, Nguyễn Thị Mỹ Linh, Nguyễn Hải Âu… có trong tay gần như trọn bộ sưu tập huy chương cần có của một đời VĐV.
Hiện tại mong manh
Tách khỏi Liên đoàn Thể dục Việt Nam năm 2015, Liên đoàn Cử tạ- Thể hình quốc gia có lẽ là tổ chức xã hội hóa thể thao duy nhất không cần đến vai trò của truyền thông. Không có được người phụ trách khâu quan trọng này, mọi hoạt động của Liên đoàn Cử tạ- Thể hình Việt Nam như “người mặc áo gấm đi đêm”, không người hâm mộ nào biết đến dù các giải đấu quốc gia – nói riêng môn thể hình – liên tục được tổ chức tại các thành phố lớn (trừ TP HCM). Không một tin tức nào của bộ môn, của đội tuyển quốc gia “lọt” ra ngoài, đó là lý do để truyền thông ngoảnh mặt với bộ môn này. Một vài tờ báo dù đã rất nỗ lực cũng không thể tuyên truyền mãi cho bộ môn này được, trừ đôi lần khai thác chuyện ca – lực – sĩ Phạm Văn Mách đoạt một vài giải quốc tế, hay khi cô giáo dạy khiêu vũ kiêm hướng dẫn viên aerobic Phạm Thị Phương Thảo đoạt HCV thế giới… môn fitness hồi tháng 10 năm ngoái ở Mông Cổ!
TP HCM, như thường khi, vẫn là nơi đi đầu khi có được tổ chức Liên đoàn Cử tạ- Thể hình địa phương từ năm 2014. Tuy nhiên, mảng truyền thông hoạt động của liên đoàn này cũng hoàn toàn bị bỏ ngỏ mãi cho đến khi vị trí Phó chủ tịch phụ trách truyền thông được bổ nhiệm mới vào cuối năm 2017. Hoạt động đầu tay của vị phó này là tổ chức ngay lễ tôn vinh các thế hệ VĐV- HLV có nhiều đóng góp cho thể hình thành phố từ những ngày đầu tiên. Đó là dịp để những Lý Đức, Trương Quan Thanh, Giáp Trí Dũng, Cao Quốc Phú, Lê Cổ Ngọc Bảo, Nguyễn Anh Tài, Bùi Xuân Trường hay Quách Ngọc Thùy Dung, Lê Thị Hương Giang xuất hiện trong ánh mắt ngưỡng mộ của thế hệ đàn em Trần Hoàng Duy Thuận (HCĐ thế giới 2017), Phạm Thị Phương Thảo (HCV thế giới 2017), Trần Thị Bích Trâm (HCB thế giới 2017)… Lý Đức, Trương Quan Thanh, Bùi Xuân Trường giờ còn gắn bó với công tác đào tạo trẻ, sẵn sàng cung cấp thế hệ tuyển thủ mới cho đội tuyển quốc gia.
Hoạt động đột phá của Liên đoàn Cử tạ- Thể hình TP HCM chính là phát pháo mở đầu, tạo đà cho các địa phương khác thúc đẩy sự phát triển của loại hình thể thao gian khổ này. Nếu không thay đổi, có lẽ hiện tại mong manh hôm nay sẽ còn tái diễn với thể hình Việt Nam ở tương lai. Khi đó, cảnh công chúng ngoảnh mặt với dàn VĐV ngôi sao là điều không còn quá bất ngờ.