Khi smartphone và các thiết bị thông minh đã trở nên quá phổ biến, nó cũng khiến cho chúng ta bị phụ thuộc rất nhiều. Chẳng phải tự nhiên khoa học phải cảnh báo về các chứng bệnh dành riêng cho thời đại số – text neck (cổ nhắn tin) và ngón tay cò súng. Tất cả là vì con người ta đang dùng điện thoại quá nhiều.
Thực tế cho thấy, nhiều người trong chúng ta đang có thói quen check điện thoại gần như mọi lúc mọi nơi. Chỉ cần 5 phút không nhìn vào điện thoại là bắt đầu cảm thấy bứt rứt, khó chịu.
Nhưng cụ thể, vấn đề gì sẽ xảy ra với não bộ nếu chúng ta kiểm tra điện thoại quá nhiều? Không bàn đến các tác hại đến sức khỏe, giáo sư từ MIT Sherry Turkle sẽ cho chúng ta biết tác động của điện thoại đến não bộ và tâm lý của con người.
Dùng điện thoại quá nhiều, não bộ của bạn luôn căng như dây đàn
Với thói quen sử dụng smartphone liên tục, sẽ có một số tác động xảy ra với não bộ của chúng ta. Đầu tiên, bạn sẽ cảm thấy những thời điểm ở một mình trở nên thực sự khó chịu. Giống như cách nhiều người không dung nạp lactose trong sữa, bạn cũng không chịu được cảm giác ở một mình mà không dùng điện thoại.
Nhưng như vậy thì sao? Nó sẽ khiến cho não bộ của bạn làm quen với việc luôn bị kích thích, và điều này rất tai hại.
Bạn sẽ ở trong trạng thái cảnh giác rất thường xuyên. Điều này thực sự có ích, nhưng là đối với xã hội thời… tiền sử, khi con người sống rất gần với thiên nhiên hoang dã. Giờ thì bạn không sống trong tự nhiên nữa, thế nên trạng thái này trở nên không cần thiết, thậm chí còn gây nguy hiểm.
Trong cuộc sống hiện tại, bạn phải luôn giữ thái độ bình tĩnh, không vội vàng, nhằm đưa ra những quyết định chính xác. Hơn nữa khi luôn ở trong trạng thái cảnh giác cao độ, hormone cortisol trong não sẽ được tiết ra nhiều hơn.
Dành cho những ai chưa biết, cortisol còn được coi là hormone stress. Nó khiến chúng ta dễ căng thẳng, phản ứng quá mức cần thiết, thậm chí dễ trầm cảm. Phản ứng của chúng ta với thế giới bên ngoài, thậm chí là với chính suy nghĩ của chúng ta đều chậm hơn.
Theo giáo sư Turkle, mỗi khi bạn cầm điện thoại lên để tra cứu một thứ gì đó, nó cũng giống như đang bước ra thiên nhiên hoang dã vậy. Bạn “săn” những thông tin ở đó, và đẩy não bộ vào trạng thái cảnh giác, tập trung cao.
Và như đã nêu, trạng thái ấy không hề tốt trong một cuộc sống, nơi bạn có quá nhiều lựa chọn phải đưa ra. Nếu không có thái độ bình tĩnh, lựa chọn dễ thành sai lầm, và bạn sẽ phải hối hận.