Hàng năm, có khoảng 2,2 triệu trường hợp tử vong, phần lớn là trẻ em do thực phẩm và nước uống không an toàn. Theo WHO, những phụ nữ mang thai, người ốm và người cao tuổi cũng đặc biệt dễ bị nhiễm bệnh và ảnh hưởng từ thực phẩm không an toàn.
Dưới đây là danh sách và cách phòng tránh của 10 loại thực phẩm thường chứa những mối họa an toàn vệ sinh thực phẩm theo thông tin từ Trung tâm An toàn Thực phẩm Hồng Kông.
1. Rau lá xanh
Thông thường thì rau lá xanh rất có lợi cho sức khỏe, tuy nhiên chúng cũng là thủ phạm chính của các bệnh do thực phẩm gây ra. Theo một nghiên cứu được công bố năm 2013 bởi Trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ, rau xanh là nguồn thực phẩm dễ gây bệnh nhất. Có khoảng 23% trường hợp trong tổng số 9,6 triệu mắc bệnh do ăn rau xanh.
Hầu hết các trường hợp ngộ độc rau xanh ở Hoa Kỳ là do loại virut Noro có trong nước bị nhiễm bẩn. Ngoài ra, các cây rau lá xanh cũng có thể bị nhiễm khuẩn Escherichia coli chủng O157: H7 và Salmonella enterica từ phân người, động vật hoặc nước tưới bị nhiễm bẩn.
Thuốc trừ sâu là cũng một nguồn ô nhiễm gây hại khác. Vấn đề dư lượng thuốc trừ sâu thường thấy ở các loại rau lá như cải hoa, cải bắp trắng, rau bina, rau bina nước, cải cúc và cải xoăn.
Cách phòng ngừa: Ngâm và rửa rau kỹ càng, nấu sôi để loại bỏ cả E. coli và salmonella. Chỉ nên ăn rau trồng hữu cơ.
2. Trứng
Hầu hết các bệnh từ trứng đều liên quan đến khuẩn salmonella. Loại vi khuẩn gây bệnh này có thể nhiễm vào trứng thông qua phân dính bên ngoài vỏ, hoặc từ gia cầm mẹ bị nhiễm bệnh truyền sang con.
Điều khó đoán là trứng bị nhiễm bẩn có thể trông rất bình thường. Việc xử lý, chế biến trứng đúng cách sẽ tiêu diệt hầu hết các loại vi khuẩn. Trứng không nấu chín sẽ rất nguy hiểm hoặc thực phẩm chứa trứng sống (như bánh pudding trứng và sốt mayonnaise) thường dễ bị vi khuẩn sinh sôi.
Cách phòng ngừa: Để trứng trong tủ lạnh. Tránh ăn trực tiếp hoặc ăn các loại thực phẩm chứa trứng sống hoặc chưa chín kỹ. Luôn mua trứng từ các nguồn đáng tin cậy
3. Cà chua
Tiêu thụ cà chua sống có thể khiến bạn nhiễm khuẩn salmonella. Vi khuẩn có thể xâm nhập vào cây cà chua thông qua hầu hết tất cả bộ phận của cây: rễ, hoa, thông qua các vết nứt nhỏ trên vỏ, vết sẹo vỏ của quả cà chua.
Cách phòng ngừa: Tránh mua cà chua bị thâm hoặc bị dập, hỏng. Cà chua nếu được cắt ra thì phải ăn càng sớm càng tốt, bảo quản lạnh phần còn thừa và vứt bỏ những phần quả mà ở ngoài nhiệt độ phòng trong hơn hai giờ.
4. Nấm
Chất độc tư nhiên có trong nấm có thể khiến bạn gặp nguy. Điều cần lưu ý là hầu hết những loại nấm gây ngộ độc không thể được khử độc bằng cách nấu, đóng hộp, đông lạnh hay bất kỳ phương thức chế biến nào khác.
Cách phòng ngừa: Không hái và tiêu thụ nấm dại. Không mua nấm có dấu hiệu bị hỏng. Rửa và nấu nấm kỹ trước khi ăn.
5. Nước tương
Ruồi bị thu hút bởi mùi của thực phẩm lên men như nước tương. Một chai nước tương không được bảo quản kỹ càng (đậy, đóng nắp) như một “lời mời” để ruồi vào đẻ trứng. Năm 2006, Trung tâm An toàn Thực phẩm nhận được một số khiếu nại của người dân về sự hiện diện của ấu trùng giòi bên trong các chai nước tương.
Cách phòng ngừa: Đóng nắp chặt và lau chùi lọ nước tương sau khi sử dụng. Lọ đã được mở nắp thì phải được bảo quản kỹ tránh ruồi.
6. Gỏi hải sản sống
Những món ăn tái sống này có thời hạn sử dụng rất ngắn và cũng có nguy cơ cao gây ngộ độc. Các vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus thường có sẵn trong hải sản, trong khi Staphylococcus aureus và salmonella có thể nhiễm vào thực phẩm do ô nhiễm hoặc xử lý không đúng cách trong quá trình chế biến.
Cách phòng ngừa: Vi khuẩn có thể bị tiêu diệt bằng cách nấu chín ở nhiệt độ 75 độ C trong 30 giây, tuy nhiên không thể nấu chín những món gỏi sống. Hãy đảm bảo chúng vẫn lạnh trên đĩa của bạn – và ăn nhanh trước khi vi khuẩn xâm nhập
7. Nhãn
Do thường được bán vào mùa hè, nhãn có thể được xử lý bằng hóa chất để kéo dài thời hạn sử dụng dẫn đến có thể gây phản ứng dị ứng ở người.
Cách phòng ngừa: Mua nhãn từ các cửa hàng có uy tín, bảo quản nhãn riêng biệt với thực phẩm khác để ngăn ngừa nhiễm bẩn chéo. Rửa kỹ trước khi ăn, tránh cắn vào vỏ quả, làm lạnh và tiêu thụ trong vòng hai tuần. Vứt bỏ bất cứ quả nào ở nhiệt độ phòng trong hơn hai giờ.
8. Thịt khô
Lạp xưởng hay các loại khô thịt thường chứa muối nitrit để bảo quản. Tuy nhiên loại muối nitrit này có thể kết hợp với các chất trong thịt tạo thành độc tố và gây ung thư. Nếu tiêu thụ nhiều một lúc các loại thịt khô còn có thể dẫn đến các chứng nhức đầu, suy nhược, khó thở, và thậm chí đổi màu da và niêm mạc.
Cách phòng ngừa: Mua lạp xưởng từ các nhà bán lẻ đáng tin cậy. Tránh tiêu thụ quá mức. Trẻ nhỏ không nên ăn.
9. Đậu đỗ
Hạt đậu đỗ sống (đậu nành, đậu xanh và đậu đỏ) có chứa một chất độc tự nhiên gọi là lectin, hoạt động như một chất diệt côn trùng tự nhiên. Nếu đậu không được nấu chín kỹ nó có thể gây ra các chứng như rất buồn nôn, tiếp theo là nôn mửa và tiêu chảy.
Cách phòng ngừa: Ngâm và nấu đậu một cách kỹ lưỡng.
10. Hạt trái cây
Có một vài lý do tại sao chúng ta không ăn các hạt của hầu hết các loại trái cây: ngoài việc cứng và khó tiêu hoá, hạt của nhiều loại trái cây cũng chứa chất độc tự nhiên.
Hạt quả táo và hạt lê giải phóng chất độc xynanua thực vật khi bị nhai hoặc tiêu hóa. Tương tự, chúng ta cũng không nên ăn hạt quả mơ, mận, đào và quả anh đào.
Cách phòng ngừa: Không ăn hạt, loại bỏ chúng trước khi làm nước trái cây.