Một tách cà phê nhâm nhi vào buổi sáng sẽ giúp tinh thần bạn minh mẫn, tỉnh táo hơn. Nhưng nếu chưa ăn gì mà đã uống cà phê thì nó lại không phải là một thói quen tốt chút nào.
Dưới đây là một vài tác hại từ thói quen uống cà phê vào lúc sáng sớm, khi bụng đang trống rỗng. Hãy tìm hiểu kỹ để khắc phục ngay nhé!
Gia tăng mức độ căng thẳng
Bạn sẽ chẳng nghĩ rằng, việc uống cà phê vào buổi sáng lại khiến cơ thể sản sinh nhiều hormone cortisol gây căng thẳng nghiêm trọng. Đặc biệt, cà phê sẽ làm ức chế cơn thèm ăn và làm bạn bỏ bữa sáng (bữa ăn quan trọng nhất trong ngày). Điều này vô tình khiến chất dẫn truyền serotonin không sản sinh đủ, gây ảnh hưởng tới sự tỉnh táo, tập trung trong ngày.
Tăng cảm giác lo lắng, hồi hộp
Việc tiêu thụ cà phê khi dạ dày đang trống rỗng có thể làm gia tăng cảm giác lo lắng, hồi hộp. Thậm chí, nếu bạn uống nhiều vào buổi sáng thì lượng cà phê đậm đặc còn làm tăng nhịp tim, gây khó chịu, nôn nao trong người. Vì vậy, để không làm ảnh hưởng đến các sinh hoạt trong ngày, bạn nên chú ý tránh uống cà phê khi bụng đang trống rỗng.
Hại dạ dày
Khi bạn uống cà phê lúc dạ dày chẳng có gì sẽ làm gia tăng lượng axit tiết ra nhiều hơn. Trong khi đó, dạ dày của bạn lúc này đang trống rỗng nên việc co bóp nhiều sẽ gây bào mòn niêm mạc dạ dày, từ đó dẫn đến chứng viêm loét nghiêm trọng.
Một vài triệu chứng điển hình mà bạn có thể gặp phải là ợ nóng, khó tiêu… Nếu để lâu mà không chữa trị sẽ gây ra các bệnh về dạ dày nghiêm trọng.
Giảm khả năng tập trung
Không chỉ gây căng thẳng, lo lắng, việc uống cà phê khi bụng đang trống rỗng còn làm giảm khả năng tập trung trong ngày. Theo đó, dạ dày của bạn sẽ sản sinh nhiều axit, gây cồn cào, khó chịu, lo lắng, nhịp tim đập nhanh… Hậu quả xấu là bạn sẽ không thể nắm bắt được những kiến thức cần thiết nên gây mất tập trung, đạt kết quả không cao trong kỳ thi cử đang cận kề.
Phá vỡ nhịp sinh học
Cà phê có thể giúp bạn tỉnh táo nhưng khi uống vào lúc sáng sớm sẽ làm ảnh hưởng tới đồng hồ sinh học của bạn. Khi bạn thức dậy, hormone cortisol sẽ tiết ra vừa đủ để giúp bạn tỉnh táo và tràn đầy năng lượng. Tuy nhiên, nếu bạn uống cà phê khi chưa ăn gì thì hormone cortisol sẽ giảm xuống và làm đảo lộn nhịp sinh học của bạn. Điều này vô tình gây mệt mỏi, uể oải, thiếu tập trung trong ngày.
Vậy thời gian nào là thích hợp nhất để uống cà phê trong ngày?
Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng, khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 11 giờ 30 trưa, khi trong bụng đã có bữa sáng là lúc uống cà phê tốt nhất. Ở thời điểm này, hormone cortisol có chiều hướng giảm xuống và dạ dày bạn cũng đã được lấp đầy nên sẽ an toàn hơn khi nhâm nhi một tách cà phê.
Ngoài ra, bạn cũng nên chú ý không uống cà phê ở trong hoặc ngay sau bữa ăn. Nếu là một người dễ bị mất ngủ thì càng không nên uống cà phê vào buổi tối.