Một số thực phẩm như cà phê, tỏi, cá, sầu riêng, rau họ cải chứa các chất không dễ phân hủy, khiến cơ thể có mùi hôi khó chịu.
Rau họ cải: Chứa hàm lượng kali và chất chống oxy hóa cao nhưng các loại rau họ cải như bông cải xanh, cải bắp hay súp lơ…, lại là thực phẩm gây mùi hôi cơ thể rất khó chịu. Chúng chứa lưu huỳnh, khi chế biến sẽ phân hủy thành mercaptain, loại khí không màu, có mùi thối. Điều này làm tăng mùi hôi trong cơ thể, đặc biệt khi bạn đổ mồ hôi. Ngoài ra, loại rau này còn chứa raffinose, chất xơ không bị phân hủy trong ruột và là nguồn thức ăn cho vi khuẩn có lợi. Kết quả là quá trình lên men vi khuẩn sản xuất khí có mùi. Ảnh: Freepik.
Cá: Theo Insider, đây là thực phẩm rất bổ dưỡng cho sức khỏe, tuy nhiên, nó cũng có thể là thủ phạm gây mùi cơ thể khó chịu. Những người mắc chứng rối loạn chuyển hóa gọi là trimethylaminuria không có khả năng phá vỡ một số protein trong cá. Hợp chất bốc mùi này sau đó được thải ra ngoài theo hơi thở, mồ hôi và nước tiểu. Ảnh: Webmd.
Măng tây: Đây là một trong những thực phẩm có thể ảnh hưởng mùi cơ thể. Măng tây chứa thioester và methanethiol, các hợp chất lưu huỳnh bị phân hủy thành chất hóa học gây mùi khó chịu. Đặc biệt, mùi hôi này rõ rệt hơn khi bạn đi tiểu. Ảnh: Menshealth.
Tỏi: Là gia vị phổ biến, tỏi có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, nó lại gây ra hơi thở có mùi hôi. Thực tế, mùi tỏi có thể kéo dài trong hơi thở lên đến 72 giờ. Thậm chí khi bạn đổ mồ hôi và đi tiểu, mùi tỏi càng rõ ràng. Tỏi chứa allicin, hợp chất lưu huỳnh được giải phóng khi cắt hoặc nghiền nát tỏi. Allicin bị phá vỡ nhanh chóng sau khi tiêu thụ tạo điều kiện cho vi khuẩn kết hợp mồ hôi và nước bọt, dẫn tới mùi cơ thể khó chịu. Ảnh: Insider.
Sầu riêng: Đây là loại trái cây đặc trưng của Đông Nam Á, có phần thịt ngọt, ngon. Sầu riêng rất giàu carbohydrate, protein, chất béo và các hợp chất lưu huỳnh. Tất cả kết hợp lại gây ra mùi hôi đặc trưng. Ảnh: Govapp.
Cà phê: Theo Live Strong, đặc tính lợi tiểu của cà phê làm khô miệng, điều này tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, gây mùi khó chịu. Ngoài ra, chất kích thích như caffeine làm tăng hoạt động của tuyến mồ hôi apocrine, khiến cơ thể cũng có mùi hôi. Ảnh: Medicalnewstoday.
Rượu: Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Dental Research, uống quá nhiều rượu có thể khiến hơi thở có mùi hôi vào sáng hôm sau. Theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH), cồn trong miệng hoặc gan phản ứng với các hóa chất khác, tạo ra “sản phẩm phụ có mùi” như acetaldehyd. Rượu cũng có thể làm khô miệng, không sản xuất đủ nước bọt để làm sạch các tế bào chết tích tụ trong miệng. Khi những tế bào chết đó phân hủy, chúng gây ra hơi thở nặng mùi. Ảnh: Github.
Theo Phương Mai (zing) – Ảnh: T.H