Mọi người thèm đường vì nhiều lý do, như thiếu chất dinh dưỡng, thiếu ngủ hoặc có cảm xúc tiêu cực. Các chuyên gia gợi ý bạn ăn uống đầy đủ và tập thói quen ăn ít đồ ngọt hơn.

Việc chứng nghiện đường có thật sự tồn tại không vẫn là chủ đề thảo luận sôi nổi trong giới nghiên cứu. Ảnh: Shutterstock.

Bạn có bao giờ thắc mắc liệu bản thân thực sự mắc chứng nghiện đường không hay cơ thể bạn đang có vấn đề sức khỏe khác? Chứng nghiện đường trở thành chủ đề bàn luận sôi nổi của truyền thông trong những năm gần đây. Theo cộng đồng Overeater Anonymous, nó được xếp loại là “những hành vi ăn uống bất thường” giống như bệnh rối loạn ăn uống. Nhưng căn bệnh này có thực sự tồn tại không?

Theo các chuyên gia, chứng nghiện đường được định nghĩa là “sự phụ thuộc cảm xúc hoặc tâm lý vào thực phẩm và đồ uống có đường”. Hầu hết chuyên gia đều đồng ý là chứng nghiện đường có thể không tồn tại.

Trên thực tế, một số chuyên gia về tâm lý nghiện đồng ý rằng hệ thần kinh có phản ứng khác biệt trước sự phụ thuộc vào một chất so với sự thôi thúc đối với những thứ cần thiết, như thực phẩm, để sinh tồn.

Theo Hiệp hội Tâm lý học Mỹ, “nghiện ăn uống là một thuật ngữ gây tranh cãi. Một số nhà nghiên cứu sử dụng thuật ngữ này để mô tả sự tương đồng giữa những người gặp một số khó khăn trong việc ăn uống và những người nghiện dùng chất kích thích”.

Tuy nhiên, 2 loại nghiện này có nhiều điểm khác biệt. Đối với những người nghiện chất kích thích, chuyên gia có thể xác định được chính xác chất khiến người đó nghiện. Trong khi đối với một cá nhân nghiện ăn uống, rất khó để tìm ra một thực phẩm gây nghiện cụ thể.

Các chuyên gia vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh chứng nghiện đồ ăn nói chung và chứng nghiện đường nói riêng. Ảnh: therealbigmanbakes.

Ngoài ra, những người ăn nhiều quá mức không có hội chứng giống người lạm dụng chất kích thích. Các nhà khoa học tìm ra bằng chứng về sự tương đồng giữa rối loạn ăn uống và nghiện chất kích thích, ví dụ, trong cả 2 trường hợp, hệ thống phần thưởng của não đều được kích hoạt. Tuy nhiên, phản ứng sinh học thần kinh của việc ăn uống quá độ và nghiện chất kích thích không giống nhau.

Đồng thời, các nghiên cứu khác trên động vật chỉ ra lượng đường nạp vào cơ thể có thể bắt chước phản ứng nghiện, nhưng điều đó không có nghĩa là đường gây nghiện ở người.

Bạn có thể bị nghiện đường không?

Chuyên gia dinh dưỡng Melissa Mitri cho biết: “Cuộc tranh luận về vấn đề liệu đường có thực sự gây nghiện với cơ thể không vẫn đang diễn ra sôi nổi. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng khi tiếp xúc với đường và với các loại thuốc gây nghiện như opioids, chuột có hành vi giống nhau. Nhưng những phản ứng này có thể chỉ mang tính hành vi hơn là thể hiện được ảnh hưởng của đường lên thể chất”.

Dù nghiên cứu cho thấy chuột phản ứng giống nhau khi tiêu thụ đường và chất kích thích, nhưng điều này không đảm bảo rằng con người cũng phản ứng tương tự. Ảnh: Shutterstock.

Điều này nghĩa là một số đối tượng nhất định có thể dễ thèm đường hơn, giống như một số người có xu hướng dễ nghiện cờ bạc.

Bà Mitri nói các chuyên gia cần có thêm nhiều nghiên cứu thực hiện trên người để xác nhận khả năng gây nghiện của đường.

Hơn nữa, không phải ai cũng có sở thích ăn đồ ngọt. Chuyên gia dinh dưỡng Karolin Saweres nói: “Các yếu tố như sở thích ăn đồ ngọt, thèm ăn một số thực phẩm nhất định hoặc gen có thể ảnh hưởng tới lượng đường nạp vào cơ thể. Những người mang biến thể vận chuyển glucose loại 2 dường như có thích ăn ngọt nhiều hơn và hấp thụ lượng đường cao hơn”.

Tại sao bạn cảm thấy thèm đường?

Nguyên nhân gây ra chứng nghiện đường liên quan đến cả mặt thể chất và tâm lý. Về mặt thể chất, bạn có thể không ăn đủ lượng thức ăn cần thiết, do đó, cơ thể sẽ báo hiệu rằng nó cần năng lượng một cách nhanh chóng. Vì vậy, cảm giác thèm đường trở nên dữ dội hơn.

Bà Mitri chia sẻ: “Bạn cũng có thể đã phải chờ đợi quá lâu để được ăn hoặc bạn ăn quá ít nên lượng đường trong máu bị giảm đi. Điều này có thể làm bạn thèm đường hơn vì đường cung cấp năng lượng cho cơ thể và khiến lượng đường trong máu tăng trở lại”.

Việc bạn thèm đường có thể là dấu hiệu cho thấy bạn ăn không đủ chất. Ảnh: trustworthyfitness.

Lý do tâm lý có phần phức tạp hơn. Bà Mitri cho biết mọi người cảm thấy nghiện đường bởi nhiều lý do. Nếu bạn có thói quen ăn uống đồ ngọt thường xuyên, việc cơ thể bạn thèm đường là điều tất yếu. Bạn cũng có thể thèm đường hơn nếu bị căng thẳng hoặc thiếu ngủ, vì 2 tình trạng này làm tăng hormone đói, khiến cảm giác thèm ăn khó kiểm soát hơn.

Chuyên gia Saweres nói: “Não sẽ phát ra những tín hiệu tạo khoái cảm khi chúng ta ăn hoặc uống thứ gì đó ngọt. Những tín hiệu khoái cảm này tạo cảm giác như chúng ta nhận được phần thưởng vậy. Cảm giác sung sướng này có thể khiến chúng ta ngày càng ăn nhiều đồ ngọt hơn”.

Cách kiểm soát cơn thèm ngọt

Cơn thèm đường có thể là cách bạn cố gắng bù đắp cho nhu cầu tình cảm nào đó. Ví dụ, nhiều người tìm muốn ăn đường hơn khi họ mệt mỏi, tức giận, buồn bã hoặc chán nản. Xác định nguyên nhân dẫn đến cảm giác thèm đồ ngọt là một phương pháp hữu ích.

Chuyên gia dinh dưỡng Abigail Thomas khuyên mọi người tìm hiểu kỹ những gì mình nghiện. Khi biết được những thực phẩm cụ thể kích hoạt cảm giác thèm đường, bạn có thể tìm hiểu cách kiểm soát nó tốt hơn.

Chuyên gia Mitri và Saweres đều cho rằng bạn nên ăn đầy đủ chất dinh dưỡng và tránh bỏ bữa thường xuyên.

Ăn đầy đủ chất dinh dưỡng để đảm bảo cơ thể luôn được cung cấp đủ năng lượng và giúp bạn kiềm chế cơn thèm đồ ngọt. Ảnh: Shutterstock.

Bà Mitri gợi ý: “Ăn đủ protein, chất xơ và ngũ cốc nguyên hạt trong mỗi bữa ăn có thể giữ cho lượng đường huyết ổn định. Điều này sẽ hạn chế cảm giác thèm đường. Bạn cũng nên kiểm soát sự căng thẳng bằng cách tập thể dục, chăm sóc bản thân và thiền định đều đặn”.

Bà Saweres khuyên chúng ta cố gắng loại bỏ thức ăn, đồ uống có hàm lượng đường cao khỏi thực đơn. Nếu bạn đã quen với việc lấy đồ ăn làm phần thưởng cho bản thân, hãy thử tặng cho mình những phần thưởng không phải đồ ăn, chẳng hạn mát-xa, chăm sóc da mặt, làm móng, mua sắm hoặc tiết kiệm tiền cho các chuyến du lịch.

Theo Phương Hà (zing) – Ảnh: T.H