Nước súc miệng không thay thế việc đánh răng nhưng nó giúp cải thiện sức khỏe răng miệng nhờ chứa nhiều khoáng chất tự nhiên, chất diệt khuẩn và làm thơm miệng.
Nước súc miệng thường có vai trò làm thơm miệng, ngừa sâu răng và làm trắng răng. Ảnh: iStock.
Nước súc miệng thường không cần kê đơn và được bán tại hầu hết cửa hàng bán lẻ hoặc nhà thuốc. Theo Health News, nó có thể chữa viêm nướu, sâu răng và ngăn ngừa mảng bám trên răng.
Ngoài ra, nước súc miệng cũng hỗ trợ sức khỏe răng miệng và làm sạch hơi thở. Nó được chia thành hai loại:
– Nước súc miệng mỹ phẩm: Loại này chứa các thành phần như hương liệu để tạo vị, chất làm se để khử mùi trong miệng và chất làm trắng. Nó thường mang lại lợi ích tạm thời như giúp hơi thở thơm mát, giảm vết ố và cải thiện vẻ ngoài tổng thể của răng. Tuy nhiên, nó không thể kiểm soát vi khuẩn hoặc các bệnh về răng miệng.
– Nước súc miệng trị liệu: Loại này chứa một hoặc nhiều thành phần sau: Chất kháng khuẩn, florua, chất chống mảng bám, cồn, tinh dầu, peroxide và các chất hóa học khác. Nước súc miệng trị liệu mang lại lợi ích lâm sàng cho các tình trạng răng miệng như ngăn ngừa hoặc điều trị viêm nướu, viêm nha chu, sâu răng, khô miệng, nhạy cảm và loét áp-tơ. Bên cạnh đó, loại này phải được FDA chấp thuận.
Vai trò của nước súc miệng
Mỗi thành phần trong nước súc miệng sẽ có tác dụng khác nhau. Tùy theo nhu cầu và mục đích của sử dụng, bạn cần đọc kỹ thành phần trước khi mua.
Florua
Florua là khoáng chất tự nhiên và phổ biến trong nhiều loại nước súc miệng. Nó giúp chống sâu răng bằng cách củng cố men răng và giảm độ nhạy cảm. Trong một số trường hợp, florua thậm chí có thể tái khoáng các lỗ sâu răng nhỏ.
Chất chống vi trùng
Thành phần này ức chế hoặc làm bất hoạt vi khuẩn trong miệng, từ đó giúp kiểm soát các bệnh như viêm nướu, bệnh nha chu và thậm chí là sâu răng. Vi khuẩn gây ra hầu hết bệnh trong miệng, do đó chất chống vi trùng là một trong những thành phần quan trọng nhất bạn cần xem xét khi mua nước súc miệng.
Muối làm se
Thành phần này thường có trong nước súc miệng mỹ phẩm. Nó chỉ tạm thời kiểm soát mùi hôi miệng.
Chất khử mùi
Hợp chất lưu huỳnh dễ bay hơi (VSC) là nguyên nhân gây ra hơi thở có mùi và vị khó chịu trong miệng. Do đó, chất khử mùi sẽ giúp che giấu mùi hôi miệng.
Theo chuyên gia, bạn nên dùng nước súc miệng sau khi đánh răng. Ảnh: Manusdental.
Tinh dầu
Tinh dầu giúp hơi thở thơm mát và tiêu diệt vi khuẩn hoặc nấm có hại. Quế, bạc hà, bạch đàn, cỏ xạ hương, đinh hương và hồi là những loại tinh dầu phổ biến nhất.
Cồn
Cồn giúp tiêu diệt vi khuẩn có hại và giúp nước súc miệng có mùi vị. Tuy nhiên, nhiều loại nước súc miệng có thể chứa tới 25% cồn theo thể tích. Hàm lượng cồn cao hơn lại làm khô các mô miệng và gây cảm giác bỏng rát khi súc miệng.
Peroxide
Chất này giúp làm giảm sự xuất hiện của các vết bẩn. Hai loại peroxide thường được sử dụng là hydrogen peroxide và carbamide peroxide. Chúng đều mang lại lợi ích tẩy trắng và giảm vi khuẩn có hại.
Chất khử nhạy cảm
Như đúng tên gọi, nó giúp giảm độ nhạy cảm ở răng. Răng chứa các lỗ cực nhỏ. Về cơ bản, chất khử nhạy cảm bao phủ và bịt kín các lỗ đó để răng không cảm thấy đau khi sử dụng chất kích thích như nóng và lạnh.
Chất làm ẩm
Đây là chất thường gặp trong nhiều loại nước súc miệng. Nó giúp chữa khô miệng, tình trạng do không sản xuất đủ nước bọt.
Lưu ý khi chọn nước súc miệng
Nước súc miệng rất đa dạng và có sẵn để điều trị nhiều vấn đề khác nhau. Do đó, bạn cần xem xét thật kỹ những yếu tố bên dưới để chọn được loại phù hợp với bản thân.
– Tập trung vào một hoặc hai vấn đề răng miệng chính mà bạn muốn cải thiện.
– Chọn loại nước súc miệng có được cấp phép lưu hành.
– Nếu bạn muốn giải quyết nhiều tình trạng cùng lúc, hãy tìm thử một sản phẩm có tất cả công dụng.
– Xác định xem bạn cần nước súc miệng mỹ phẩm hay loại có tác dụng trị liệu.
– Tham khảo ý kiến của bác sĩ nha khoa nếu bạn có thắc mắc hoặc cần trợ giúp trong việc lựa chọn nước súc miệng.
– Nước súc miệng thường không được khuyên dùng cho trẻ em dưới 6 tuổi. Đối với trẻ trên 6 tuổi, phụ huynh cần lựa chọn loại nước súc miệng không chứa cồn.
Cách sử dụng nước súc miệng để đạt hiệu quả cao
Mỗi loại nước súc miệng đều có bảng thành phần và hướng dẫn cụ thể, vì vậy, bạn hãy cẩn thận với từng loại nước súc miệng khác nhau. Nhưng nhìn chung, bạn cần lưu ý các điều dưới đây trước khi dùng nước súc miệng.
– Súc miệng trong 30-60 giây, nhổ ra quá sớm khiến nước súc miệng không phát huy hết tác dụng.
– Bạn nên sử dụng nước súc miệng sau khi đánh răng. Mặc dù điều này còn gây tranh cãi, nhiều thành phần có thể được rửa trôi sau khi đánh răng, đặc biệt là các chất có lợi nhất nếu được giữ lại lâu trong miệng.
– Tránh ăn hoặc uống trong 30 phút để nước súc miệng phát huy tác dụng.
– Hãy kiên trì sử dụng. Mặc dù một số loại nước súc miệng có thể giảm đau ngay lập tức, nhiều loại khác cần có thời gian để đem lại hiệu quả mong muốn.
– Tham khảo ý kiến nha sĩ nếu bạn muốn cho trẻ dưới 6 tuổi hoặc trên 6 tuổi sử dụng.
Theo Nam Giao (zing) – Ảnh: T.H