Người có thói quen tắm và gội đầu vào ban đêm thuộc nhóm đối tượng dễ mắc bệnh nấm da đầu. Đây là căn bệnh được gây ra bởi quá trình nhiễm khuẩn do sự xâm nhập của vi nấm thuộc loài Trichophyton và Microsporum vào da đầu hoặc tóc.

Vi nấm dần dần xâm nhập vào da đầu, ban đầu chỉ gây ngứa âm ỉ, thậm chí không ngứa. Sau đó, một số tình trạng mụn nước, bong vảy nhẹ nhàng xuất hiện nhưng thường bị nhầm lẫn là gàu.

Nếu không được can thiệp kịp thời, bệnh sẽ gây ra bong mảng lớn trên da đầu, tóc rụng nhiều, ngứa nặng hơn, gãi nhiều, dẫn đến nhiễm trùng và bội nhiễm. Người bệnh có nguy cơ rụng tóc vĩnh viễn nếu không được điều trị sớm.

Nguyên nhân gây ra bệnh nấm da đầu gồm:

– Vi nấm xâm nhập thông qua những vết thương trên da đầu hoặc vết cào gãi.

– Sử dụng chung các vật dụng tại tiệm làm tóc (lược, kéo, dao cạo…) hay dùng chung nón bảo hiểm, lược, lau chung khăn với người nhiễm bệnh.

– Tiếp xúc với thú cưng đã bị nhiễm vi nấm trên lông.

Bệnh xuất hiện ở mọi mọi lứa tuổi và dễ bị nhầm với các bệnh về da đầu khác như chấy rận, vẩy nến hay á sừng. Ngoài những người thường gội đầu vào ban đêm, người lao động ngoài trời, người suy giảm miễn dịch hoặc phụ nữ mang thai đều có nguy cơ cao mắc bệnh này.

Nấm da đầu rất dễ lây lan từ người sang người hoặc từ động vật sang người. Do đó, để phòng bệnh, bạn nên tránh dùng chung đồ dùng cá nhân với người khác hoặc cần sát khuẩn trước khi sử dụng.

Ngoài ra, bạn cần tắm và gội đầu trước khi đi ngủ ít nhất 3 giờ để tránh tạo môi trường cho vi nấm phát triển. Nếu có nuôi thú cưng như chó hoặc mèo, bạn cần vệ sinh chúng sạch sẽ và điều trị bệnh vi nấm (nếu có).

Để điều trị bệnh nấm da đầu, các bác sĩ có thể kê toa thuốc uống để diệt trừ vi nấm bên trong, đồng thời, kết hợp thuốc thoa và dầu gội riêng để loại trừ vi nấm trên bề mặt da đầu.

Thạc sĩ, bác sĩ Tạ Quốc Hưng, khoa Da liễu – Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM chia sẻ.

Theo Zing – Ảnh: T.H

Nguồn: giaitri.thoibaovhnt.com.vn | Copy Link