Dù là tình trạng phổ biến, thậm chí tưởng chừng là triệu chứng tự nhiên, da mụn tuổi dậy thì vẫn là bệnh lý cần được điều trị đúng cách.
Việc chăm sóc da mụn trong giai đoạn dậy thì đòi hỏi sự kiên trì. Ảnh: Be Beautiful.
Khi bước vào giai đoạn dậy thì, trẻ sẽ gặp rất nhiều dấu hiệu “khác thường” trên cơ thể và khiến các bé lo lắng. Mụn trứng cá là một trong số này. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, tình trạng mụn trở nên nghiêm trọng và cần sự can thiệp từ phụ huynh cũng như các bác sĩ.
Chính cha mẹ cũng cần hiểu về da mụn ở tuổi dậy thì
Theo thạc sĩ, bác sĩ Trần Ngọc Khánh Nam, khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, mụn là bệnh lý mạn tính của da, thường xuất hiện ở cả nam và nữ trong độ tuổi dậy thì, 13-18 tuổi. Vị chuyên gia cũng thông tin tỷ lệ mắc bệnh khá cao.
Trên thực tế, mụn có thể giảm dần sau khi bệnh nhân bước qua tuổi dậy thì. Tuy nhiên, BS Nam cảnh báo tình trạng này, nếu không được điều trị đúng cách, sẽ có thể gây viêm nhiễm, tái phát nhiều lần và để lại những tổn thương trên da như sẹo mụn, vết thâm, gây mất thẩm mỹ.
“Về mặt lý thuyết, 4 loại tổn thương cơ bản của mụn trứng cá thường gặp ở tuổi dậy thì gồm mụn đầu trắng, mụn đầu đen, sẩn viêm và nang”, vị chuyên gia cho hay.
BS Trần Ngọc Khánh Nam thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC.
BS Nam cũng chia sẻ có nhiều nguyên nhân gây mụn ở tuổi dậy thì như gene, nội tiết tố, mỹ phẩm, thuốc…
Trong khi đó, bệnh sinh của trứng cá bao gồm:
- Tuyến bã nhờn hoạt động mạnh gây tăng tiết dưới tác động của hormone androgen
- Tăng sừng hóa đoạn cổ nang lông gây bít tắc lỗ chân lông
- Sự cư trú và hoạt động của vi khuẩn C.acnes và quá trình viêm
“Nhiều bạn ở độ tuổi này bắt đầu dùng mỹ phẩm, trang điểm nhưng lại chưa quen với những bước làm sạch da mặt chuẩn khoa học cũng khiến lớp cặn trang điểm, bụi bẩn không được loại bỏ hoàn toàn. Thay vào đó, chúng tích tụ bên trong lỗ chân lông gây bít tắc, viêm nhiễm và hình thành mụn”, BS Nam bổ sung.
Ngoài ra, vị chuyên gia cũng nhấn mạnh chế độ sinh hoạt thiếu khoa học, thức khuya, ít vận động, căng thẳng học tập, ăn nhiều đồ ngọt… cũng có thể làm tăng phản ứng viêm của da, từ đó khiến mụn xuất hiện nhiều hơn.
Chăm sóc và điều trị da mụn chuẩn khoa học trong giai đoạn này như thế nào?
Theo BS Trần Ngọc Khánh Nam, da mụn tuổi dậy thì cũng được xếp vào nhóm da nhạy cảm, dễ kích ứng. Do đó, các bước chăm sóc da ở giai đoạn này nên được tối giản để giảm thiểu khả năng gây bít tắc và kích ứng.
Cụ thể, vị chuyên gia cho rằng chu trình chăm sóc da mụn ở tuổi dậy thì nên gồm 3 bước cơ bản: Làm sạch, điều trị mụn và chăm sóc da.
Ở bước làm sạch, chúng ta nên vệ sinh da sạch để loại bỏ dầu nhờn thừa, tế bào da chết và vi khuẩn, bụi bẩn. Đây là điều quan trọng để kiểm soát mụn.
“Mọi người cần lưu ý chọn loại sữa rửa mặt dành cho da dầu mụn, nhẹ nhàng và có độ pH phù hợp với pH sinh lý của da (pH lý tưởng là 5,5). Đồng thời, chỉ nên rửa mặt bằng sữa rửa mặt 1-2 lần/ngày, tránh rửa bằng sữa rửa mặt quá nhiều lần trong ngày khiến da bị khô và kích ứng”, BS Nam chia sẻ.
Việc tự ý nặn mụn có thể khiến tình trạng mụn diễn biến nặng hơn. Ảnh minh họa: SCMP.
Mặt khác, vị chuyên gia cũng gợi ý trẻ dậy thì bị da mụn có thể dùng thêm giấy thấm dầu hoặc rửa mặt nhẹ nhàng với nước khi cần rửa thêm.
Ở bước điều trị mụn, BS Nam nhấn mạnh bệnh nhân nên thăm khám và điều trị mụn theo chỉ định của bác sĩ da liễu.
Với các trường hợp nhẹ, bệnh nhân thường chỉ cần sử dụng thuốc thoa hàng ngày. Tuy nhiên, nếu tình trạng sưng viêm, thậm chí xuất hiện các cục, nang, người bệnh có thể phải sử dụng thêm thuốc uống.
BS Nam lưu ý: “Việc nặn mụn sẽ được chỉ định bởi bác sĩ khi cần thiết và sẽ được thực hiện tại cơ sở y tế. Việc tự ý nặn mụn không đúng quy trình, không đảm bảo vệ sinh có thể sẽ gây viêm nhiễm, lây lan vi khuẩn và làm nặng tình trạng mụn, thậm chí gây sẹo vĩnh viễn trên da”.
Vị chuyên gia cũng nhấn mạnh quá trình điều trị mụn cần kiên trì và tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ để đạt hiệu quả tối đa.
Ở bước cuối cùng là chăm sóc da, vị chuyên gia cho hay trong quá trình điều trị mụn, một số thuốc thoa có thể gây tác dụng phụ như khô da, bong tróc và kích ứng da.
Với trường hợp da kích ứng, BS Nam khuyên các bệnh nhân nên thoa bổ sung kem dưỡng ẩm dành cho da dầu mụn để tăng độ ẩm cần thiết, làm giảm kích ứng da.
“Mọi người cũng nên chọn kem dưỡng ẩm chứa các thành phần kháng khuẩn, kháng viêm, làm dịu da như hợp chất ceramides, glycerin… giúp nâng cao hiệu quả chăm sóc và điều trị da mụn”, vị chuyên gia nói thêm.
BS Nam cũng khuyến cáo trẻ bị da mụn khi dậy thì nên hạn chế các loại mỹ phẩm, kem thoa dưỡng da trong suốt quá trình điều trị mụn để tránh nguy cơ bít tắc lỗ chân lông và làm mụn nặng hơn.
Người bệnh nên thăm khám, tuân thủ điều trị và chăm sóc da, sử dụng các sản phẩm chăm sóc da theo chỉ định của bác sĩ để đạt hiệu quả tối đa, tránh các tác dụng phụ không đáng có.
Theo Quốc Toàn (zing) – Ảnh: T.H