Trước khi đột tử, cơ thể sẽ phát tín hiệu cảnh báo như đau tức ngực, huyết áp bất thường… và cần đi khám ngay.
Đột tử xảy ra khi một người bình thường khỏe mạnh đột nhiên qua đời trong một khoảng thời gian ngắn. Có nhiều nguyên nhân gây ra cái chết đột ngột này, thường là do các vấn đề về tim, não, phổi, những cơ quan quan trọng nhất để duy trì sự sống.
Đột tử do tim gồm suy tim, nhịp tim bất thường và các nguyên nhân khác chiếm từ 70 đến 90% tổng số ca tử vong này. Còn lại, các nguyên nhân gây đột tử không do tim bao gồm xuất huyết não, huyết khối não…
Theo thống kê của Trung tâm Tim mạch Quốc gia Trung Quốc, mỗi năm có khoảng 544.000 người chết đột ngột ở Trung Quốc, tương đương 1.500 người chết vì đột tử do tim mỗi ngày. Đây là quốc gia có số ca đột tử do tim lớn nhất thế giới.
Điều này khiến nhiều người cho rằng cái chết đột ngột đến không báo trước và là một tai họa bất ngờ, khó lường. Thực tế không phải vậy. Khi nhìn lại những trường hợp này, các bác sĩ, chuyên gia nhận thấy cơ thể hầu hết bệnh nhân đã trải qua tình trạng quá tải một thời gian dài trước khi đột tử. Dưới đây là ba tín hiệu mà cơ thể phát ra trước khi đột tử.
1. Đau ngực dữ dội
Phản ứng đau đớn là tín hiệu dễ dàng nhất để chúng ta nắm bắt về một cái chết đột ngột. Khi bạn cảm thấy nặng nề, tức ngực, đau thắt ở ngực và cảm thấy khó thở, hãy gọi ngay đến đường dây nóng cấp cứu của bệnh viện.
2. Đánh trống ngực, kèm theo đau âm ỷ
Nếu bạn cảm thấy đau, tức ngực, bị đánh trống ngực, mệt mỏi, chóng mặt và các triệu chứng khó chịu khác, hãy đi khám ngay lập tức. Mọi thứ sẽ quá muộn nếu bạn trì hoãn nó lâu hơn nữa.
3. Huyết áp bất thường, khó thở hoặc thậm chí ngất xỉu
Bạn bị hạ huyết áp đột ngột kèm theo các triệu chứng như đổ mồ hôi lạnh, khó thở và thậm chí ngất xỉu. Khi đó, đừng nghĩ mình bị hạ huyết áp bình thường. Bởi nếu chẩn đoán nhầm, không được điều trị kịp thời, tình trạng này có thể dẫn đến đột tử.
Khi nắm bắt được ba dấu hiệu cảnh báo đột tử nêu trên, tỷ lệ cứu chữa thành công có thể được cải thiện rất nhiều. Một báo cáo được công bố trên tạp chí Nghiên cứu Y học Quân sự cho biết nếu xảy ra ngừng tim, thời gian cấp cứu nên từ phút đầu tới phút thứ 5 khi phát hiện và tỷ lệ phục hồi nhịp tim có thể đạt 41,7%. Nếu bỏ lỡ, thời gian cấp cứu từ phút thứ 5 đến 10 có tỷ lệ phục hồi nhịp tim là 14,3%.
Làm thế nào để ngăn chặn cái chết đột ngột?
Những thói quen xấu trong lối sống hiện đại như ăn quá nhiều, làm việc quá sức, thức khuya ngày càng phổ biến, kéo theo đó là tỷ lệ mắc bệnh huyết áp cao, gan nhiễm mỡ và các bệnh về tim mạch. Tất cả những điều này đặt một “quả bom hẹn giờ” cho sự xuất hiện của những cái chết đột ngột trong tương lai.
Để ngăn chặn “quả bom” này phát nổ, chúng ta cũng nên thực hiện những thay đổi trong cuộc sống:
– Có lối sống lành mạnh: sinh hoạt điều độ, tập thể dục ít nhất nửa giờ mỗi ngày, ăn uống hợp lý, giảm thịt, ăn nhiều trái cây, rau quả, kiểm soát cân nặng, bỏ thuốc lá và hạn chế uống rượu.
– Kiểm soát cảm xúc của mình: điều chỉnh tâm lý, giữ bình tĩnh và tránh quá vui, quá tức giận, buồn bã, lo lắng hoặc chán nản.
– Tránh gắng sức quá mức: Chú ý nghỉ ngơi trong công việc và cuộc sống hàng ngày, phân bổ thời gian làm việc hợp lý, tránh thức đêm để làm việc liên tục.
– Khám sức khỏe định kỳ: Nếu mắc bệnh tim mạch hoặc có tiền sử bệnh tật, bạn cần đến bệnh viện khám sức khỏe định kỳ.
Hãy trân trọng tính mạng và sức khỏe, chú ý đến các tín hiệu bệnh tật do cơ thể bạn gửi đến trong cuộc sống, đồng thời tìm cách chẩn đoán và điều trị kịp thời để cải thiện. Khi sống tốt, chúng ta mới nhìn thấy được vẻ đẹp của cuộc sống.
Theo Hằng Trần (ngoisao.vnexpress) – Ảnh: T.H