Tình trạng ngộ độc thực phẩm sau khi ăn cơm nguội thường xảy ra do không được bảo quản và hâm nóng đúng cách.
Hầu hết mọi người đều biết họ nên tránh ăn thịt gà sống, sốt mayonnaise chưa được làm lạnh và những sản phẩm chưa được rửa sạch để ngăn ngừa bị ngộ độc thực phẩm. Nhưng ngay cả một loại ngũ cốc nấu chín như gạo cũng có thể gây ra các vấn đề về đường tiêu hóa.
Health đưa tin trên TikTok, các video về những người bị ốm vì ăn cơm nguội đang được lan truyền nhanh chóng. Điều này khiến mọi người thắc mắc liệu việc ăn cơm nguội có thực sự nguy hiểm không hay đó chỉ đơn giản là một thông tin sai lệch về sức khỏe.
Nancy Mitchell, chuyên gia chăm sóc điều dưỡng lão khoa, chia sẻ với Health: “Các bào tử vi khuẩn có khả năng chịu nhiệt, vì vậy chúng vẫn tồn tại ngay cả sau khi cơm được nấu chín và hâm nóng lại. Để cơm quá lâu ở nhiệt độ phòng có thể kích thích các bào tử phát triển thành vi khuẩn”.
Ngộ độc thực phẩm là gì?
Ngộ độc thực phẩm là tình trạng xảy ra sau khi một người ăn phải thức ăn hoặc uống nước đã bị nhiễm vi khuẩn, ký sinh trùng, virus hoặc độc tố có hại.
Ngộ độc thực phẩm khá phổ biến, với khoảng 48 triệu người ở Mỹ mắc tình trạng này mỗi năm.
Cơ chế của cơ thể là tự loại bỏ vật lạ nên người nhiễm bệnh có thể bị nôn mửa, tiêu chảy, sốt và co thắt dạ dày.
Khi bị ngộ độc thực phẩm, bệnh nhân thường bị đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy. Ảnh: Texas Med Clinic.
Hầu hết trường hợp ngộ độc thực phẩm sẽ tự khỏi trong vòng một tuần. Nhưng những người bị suy giảm miễn dịch, đang mang thai hoặc trẻ dưới 5 tuổi sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi nhiễm các vi khuẩn độc hại.
Cơ thể của họ có thể không thể chống lại những sinh vật này. Trong những trường hợp nghiêm trọng hơn, ngộ độc thực phẩm thậm chí có thể gây tử vong. Đây là nguyên nhân dẫn đến khoảng 3.000 ca tử vong ở Mỹ mỗi năm.
Cơm nguội có gây ngộ độc thực phẩm không?
Gạo nghe có vẻ như là một loại thực phẩm có nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm thấp. Tuy nhiên, cơm chín vẫn có thể chứa một số loại vi khuẩn gây bệnh nếu cơm không được bảo quản và hâm nóng đúng cách.
Toby Amidor, thạc sĩ khoa học, chuyên gia dinh dưỡng từng đoạt giải thưởng, chuyên gia an toàn thực phẩm, tác giả của cuốn sách sắp ra mắt, Nâng cấp rau củ quả: Công thức nấu ăn cho cả gia đình, cho biết: “Trong quá khứ, cơm nấu chín được phát hiện chứa vi khuẩn Bacillus cereus” .
Vi khuẩn này được tìm thấy trong đất và tạo ra độc tố dẫn đến các bệnh về đường tiêu hóa.
Nếu không được bảo quản đúng cách, cơm nấu chín có thể chứa Bacillus cereus, một loại vi khuẩn gây bệnh tiêu hóa. Ảnh: Adobe Stock.
Melissa Azzaro, chuyên gia dinh dưỡng, người dẫn podcast Hormonally Yours, chia sẻ Bacillus cereus là một trong những nguyên nhân gây bệnh thực phẩm phổ biến nhất, với hơn 63.000 trường hợp mắc bệnh hàng năm ở Mỹ.
Bà nói: “Triệu chứng nôn mửa và tiêu chảy có thể xảy ra trong vòng 1-5 giờ sau khi ăn cơm nguội không được bảo quản đúng cách. Hiện tượng này rất phổ biến và nó được gọi là “hội chứng cơm rang””.
Các trường hợp nhiễm khuẩn Bacillus cereus thường nhẹ nhưng căn bệnh có thể trở nên nguy hiểm với một số đối tượng, đặc biệt là những người có hệ thống miễn dịch suy yếu.
Bà Azzaro nói thêm không chỉ gạo, bất kỳ loại ngũ cốc nào cũng có thể chứa vi khuẩn gây bệnh nếu không được bảo quản và hâm nóng đúng cách.
Cách bảo quản cơm nguội đúng cách
Chuyên gia dinh dưỡng Amidor nói nếu bạn ăn cơm được nấu chín và hâm nóng đúng cách, bạn sẽ ít có khả năng bị ngộ độc thực phẩm. Tuy nhiên, khi gạo được giữ ở nhiệt độ 4.4-60 độ C (vùng nhiệt độ nguy hiểm) trong hơn 2 giờ, vi khuẩn có thể phát triển rất nhanh.
Chuyên gia khuyên mọi người không nên để cơm đã nấu chín ở nhiệt độ phòng quá 2 giờ và không quá một giờ nếu nhiệt độ trên 32.2 độ C.
Bà Amidor nói thêm: “Khi không còn nóng nữa, cơm nên được đậy kín và cho vào tủ lạnh. Nếu được bảo quản trong tủ lạnh ở nhiệt độ dưới 4.4 độ C, cơm có thể để được trong tủ lạnh đến 4 ngày”.
Mọi người không nên để cơm ở nhiệt độ phòng quá 2 tiếng. Ảnh: Unsplash.
Bạn cũng có thể cho cơm đã nấu chín vào hộp đậy kín hoặc túi có khóa kéo và để trong ngăn đá tối đa 3 đến 4 tháng.
Khi mọi người muốn ăn cơm nguội, bà Azzaro khuyên họ hâm nóng cơm một lần duy nhất. Bạn nên chia nhỏ phần cơm nguội để hâm nóng thay vì hâm nóng toàn bộ hộp cơm.
Tất cả thức ăn nguội, bất kể là cơm, mì ống hay món khoai tây hầm, nên được hâm nóng ở nhiệt độ 74 độ C để đảm bảo an toàn.
Ngộ độc thực phẩm sau khi ăn cơm nguội chỉ xảy ra khi bạn bảo quản không đúng cách. Cơm cung cấp nhiều chất dinh dưỡng quan trọng cho cơ thể, vì vậy ăn cơm nguội vào ngày hôm sau là một lựa chọn tốt cho sức khỏe, miễn là cơm được bảo quản và hâm nóng đúng cách.
Theo Phương Hà (zing) – Ảnh: T.H