Thời gian ảnh hưởng ngắn, triệu chứng dễ nhận biết, mức độ rủi ro thấp hơn là những điểm khác nhau cơ bản giữa hội chứng baby blues và trầm cảm sau sinh.

Hội chứng baby blues thường tự khỏi sau 2-3 tuần. Ảnh: PSI.

Sức khỏe tinh thần sau sinh vẫn là một chủ đề gây ra nhiều tranh cãi, dù thực tế, tỷ lệ các sản phụ gặp vấn đề về tâm lý như buồn bã, trầm cảm hoặc rối loạn tâm thần ngày càng tăng. Trong đó, baby blues – hội chứng rối loạn điều chỉnh – được xem là tình trạng xảy ra phổ biến hiện nay.

Cụ thể, baby blues (hay buồn bã sau sinh) là tình trạng xuất hiện sau khi phụ nữ trải qua quá trình sinh nở. Về mặt thể chất, đây là thời điểm cơ thể phụ nữ đang trên đà hồi phục và nội tiết tố dần trở lại ổn định. Về mặt cảm xúc, họ phải đối diện với việc chăm sóc em bé mới sinh. Tất cả thay đổi này có thể dẫn đến cảm giác bất ổn về tinh thần.

Theo ước tính, khoảng 50-75% sản phụ sẽ trải qua hội chứng baby blues. Tuy nhiên, tình trạng này không giống như trầm cảm sau sinh.

Những nỗi buồn hay sự lên xuống của tâm trạng ở hội chứng baby blues thường tự khỏi sau một thời gian ngắn. Trong khi đó, trầm cảm sau sinh lại là sự tổng hợp của các yếu tố về mặt hành vi, cảm xúc, thể chất và kéo dài nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng.

Nguyên nhân và triệu chứng của baby blues

Theo Healthnews, nguyên nhân chính gây ra baby blues vẫn chưa được tìm hiểu chính xác. Nhưng nhiều chuyên gia nhận định nó có thể bắt nguồn từ sự thay đổi mạnh mẽ về nội tiết tố sau sinh.

Ngoài ra, các yếu tố khác cũng có khả năng ảnh hưởng đến baby blues, bao gồm: Tiền sử thay đổi tâm trạng trong chu kỳ kinh nguyệt hoặc mang thai; tiền sử rối loạn trầm cảm nặng, tiền sử gia đình bị trầm cảm sau sinh, kinh tế gia đình ở mức thấp, nguồn gốc dân tộc hoặc chủng tộc, mang thai ngoài ý muốn và thụ tinh trong ống nghiệm, trải qua quá trình sinh nở khó khăn.

Bên cạnh đó, những biến chứng hoặc chấn thương khi sinh con có thể gây ra cảm giác buồn bã cho phụ nữ. Thậm chí, kể cả không trải qua các yếu tố được liệt kê như trên, phụ nữ vẫn có nguy cơ mắc baby blues.

Thông thường, baby blues sẽ xuất hiện trong vòng 2-3 ngày sau khi sinh, một số trường hợp có thể xuất hiện hội chứng này sau khi sinh một tuần. Các triệu chứng của baby blues thường kéo dài khoảng 2-3 tuần. Sản phụ sẽ cảm thấy buồn bã, không hài lòng hoặc khó chịu, khóc không lý do, lo lắng hoặc bồn chồn, mất ngủ, thay đổi khẩu vị, khó tập trung, cáu gắt.

Hoi chung baby blues anh 1

Sau khi sinh, phụ nữ nên sắp xếp thời gian để ngủ cùng lúc với em bé. Ảnh: Shutterstock.

Cách điều trị baby blues

Healthnews nhận định baby blues có thể được điều trị tại nhà mà không nhất thiết phải đến bác sĩ. Tuy nhiên, bệnh nhân cần lưu ý tâm trạng buồn chán vẫn có khả năng phát triển thành trầm cảm sau sinh, đặc biệt là khi xuất hiện những yếu tố rủi ro khác. Do đó, phụ nữ nên thực hiện các biện pháp sau đây để góp phần làm giảm mức độ nghiêm trọng của baby blues.

Đầu tiên, sản phụ hãy yêu cầu sự giúp đỡ. Dù là hàng xóm, gia đình hay bạn bè, phụ nữ nên cụ thể hóa nhu cầu của bản thân, chẳng hạn nhờ người trông hộ em bé để đi tắm hoặc đi mua đồ.

Kế đến, phụ nữ sau sinh phải chia sẻ cảm xúc với những người xung quanh. Việc có người chịu lắng nghe để phụ nữ bày tỏ cảm xúc và giải bày mối bận tâm là điều rất quan trọng. Người này có thể là bạn bè, chồng hoặc bất kỳ thành viên nào trong gia đình.

Tiếp theo, người mẹ cần ưu tiên cho giấc ngủ và nên ngủ cùng lúc với thời điểm ngủ của trẻ. Đi ngủ sớm và thực hành vệ sinh giấc ngủ tốt sẽ cải thiện đáng kể tâm trạng cũng như sức khỏe cho phái đẹp.

Ngoài ra, phụ nữ nên đảm bảo một chế độ ăn uống cân bằng, giàu dinh dưỡng và hydrat hóa. Tiêu thụ thực phẩm giàu chất dinh dưỡng giúp hỗ trợ chữa lành tâm trạng. Hơn nữa, uống đủ nước là điều rất cần thiết để đảm bảo đủ sữa cho con bú.

Cuối cùng, phụ nữ nên dành một ít thời gian trong ngày để đi dạo bên ngoài. Điều này phụ thuộc chủ yếu vào thời tiết. Nếu hít thở không khí trong lành và ánh nắng mặt trời thường xuyên, cơ thể sẽ căng tràn sức sống, dồi dào năng lượng hơn.

Theo Minh Uyên (zing) – Ảnh: T.H

Nguồn: giaitri.thoibaovhnt.com.vn | Copy Link