Chế độ ăn chúng ta muốn nói đến ở đây chính là ăn lành mạnh, chủ yếu là rau củ quả.
Đó là lời kết luận của giáo sư Walter Willett – một chuyên gia dinh dưỡng và dịch tễ học của ĐH Harvard. Trong buổi hội thảo tại Vatican, ông đã chia sẻ như sau:
“Chúng tôi đã thử tính toán xem có thể giảm khả năng chết sớm nếu chuyển sang một chế độ ăn uống lành mạnh, nhiều rau.”
“Kết quả cho thấy, ít nhất 1/3 nguyên nhân gây chết người hiện nay có thể được ngăn chặn.”
“Đó là còn chưa tính đến các yếu tố như tập thể dục hoặc từ bỏ việc hút thuốc. Đó đều là những thói quen gây chết người. Thậm chí, tính toán còn không bao gồm bệnh tiểu đường – chứng bệnh phổ biến nhất hiện nay.”
“Chúng tôi chỉ muốn xác nhận xem việc chuyển sang chế độ ăn lành mạnh sẽ có tác dụng gì, và thực sự nó giảm rủi ro từ gần như tất cả mọi thứ.”
Cần biết rằng, Willett không hề muốn nói đến việc ăn chay. Ông chỉ muốn chúng ta chuyển sang một chế độ ăn lành mạnh, phụ thuộc nhiều vào rau củ quả hơn.
“Tôi không muốn nói đến chế độ ăn chay.” – Willett cho biết. “Lý do là vì thứ dùng để thay thế thịt cũng quan trọng. Nếu thay thịt bằng nước ngọt, đường tinh chế thì hậu quả sẽ còn kinh khủng hơn như thế.”
“Nhưng nếu thay bằng các loại hạt, đậu và ngũ cốc, tỷ lệ mắc bệnh tim, tiểu đường và các bệnh nghiêm trọng sẽ giảm đi rất nhiều.”
Theo Willett, câu chuyện không đơn giản chỉ là thay thế thịt bằng rau xanh, mà là duy trì nó. Theo nghiên cứu của ông, rủi ro mắc bệnh đã giảm đáng kể, và nguyên nhân thực sự liên quan trực tiếp đến việc chuyển dịch chế độ ăn từ nhiều thịt sang nhiều rau.
Tuy nhiên, nghiên cứu quy mô lớn từ năm 2015 lại chỉ ra rằng ăn rau không giúp chúng ta sống thọ hơn. Cụ thể, nghiên cứu đã so sánh số liệu từ 2 nghiên cứu trước đó, và cho biết không có sự khác biệt đáng kể giữa 2 nhóm ăn rau – ăn thịt.
Để giải thích cho điều này, Willett cho rằng nghiên cứu ấy chưa thực sự đầy đủ. Theo ông, các nghiên cứu về người ăn chay trước đó đã không tính đến các loại thực phẩm dùng để thay thế cho thịt. Như đã nêu, nếu thay bằng nước ngọt, đường, tinh bột tinh chế… thì sức khỏe cũng chẳng thể cải thiện.
Ngoài ra, nghiên cứu của Willett cũng dựa trên rất nhiều công trình nghiên cứu ông thực hiện trước đó, tạo ra một nền tảng lý thuyết thực sự vững chắc.
Vậy chúng ta sẽ nghe theo Willett và ăn chay?
Kết luận của Willett hiển nhiên sẽ gây nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, có một sự thật rằng việc ăn quá nhiều một thứ gì đó cũng đều không tốt – kể cả là rau hay thịt. Một chế độ ăn lành mạnh cần phải cân bằng về dinh dưỡng, thay vì tập trung vào một loại thực phẩm nhất định.
Việc chuyển sang ăn toàn rau cũng không hẳn đã tốt. Sở y tế quốc dân (NHS – Anh Quốc) lấy ví dụ về omega-3 – một acid béo có lợi cho tim mạch. Nhưng omega-3 có nguồn gốc từ rau củ quả sẽ không tốt bằng từ cá.
Tóm lại, bạn nên ăn một chế độ ăn lành mạnh, cân bằng về dinh dưỡng.