Các nhà nghiên cứu chứng minh ăn táo hàng ngày giúp cải thiện sức khỏe tim mạch. Lý do là táo chứa flavan-3-ols, hợp chất điều hòa huyết áp, cholesterol và đường huyết.
Từ xưa, người Pembrokeshire có câu tục ngữ: “An apple a day keeps the doctor away”, hiểu nôm na là ăn một quả táo mỗi ngày giúp chúng ta khỏe mạnh hơn và không cần đi khám bác sĩ.
Thực chất, câu nói này không hề vô căn cứ. Các nhà nghiên cứu nói ăn táo, nho, các loại quả mọng và trà mỗi ngày giúp cải thiện sức khỏe tim mạch.
Hợp chất tốt cho sức khỏe tim mạch
The New York Post, dựa vào nguồn tài trợ từ Học viện Dinh dưỡng và Nghiên cứu chế độ ăn uống Mỹ, các chuyên gia điều tra dữ liệu từ 157 mẫu thử ngẫu nhiên có đối chứng và 15 nghiên cứu thuần tập về lợi ích sức khỏe của flavan-3-ols. Đây là hợp chất hoạt tính sinh học tốt cho tim.
Nhiều nghiên cứu trước đó chứng minh hợp chất này giúp duy trì sức khỏe và ngăn ngừa bệnh tật. Vì vậy, các chuyên gia nhận thấy flavan-3-ols là “ứng cử viên sáng giá nhất” cho nghiên cứu.
Dữ liệu cho thấy flavan-3-ols có thể cải thiện huyết áp, cholesterol và lượng đường trong máu. Hợp chất giúp giảm lượng đường huyết và đường huyết thấp đồng nghĩa với nguy cơ bị tổn thương thần kinh và mắt cũng sẽ thấp hơn.
Cách để bổ sung flavan-3-ols
Các nhà khoa học khuyên mọi người nên ăn một quả táo, một vài quả mọng và uống 2 tách trà mỗi ngày để cung cấp khoảng 500 miligram flavan-3-ols cho cơ thể.
Giáo sư Gunter Kuhnle, chuyên gia dinh dưỡng ở Đại học Reading, chia sẻ: “Chúng tôi khuyên bạn nên tiêu thụ 400-600 miligram flavan-3-ols mỗi ngày để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh tim mạch”.
Trà xanh là thực phẩm chứa lượng flavan-3-ols cao nhất, khoảng 320 miligram mỗi cốc. Tiếp theo là trà đen (280 miligram flavan-3-ols/cốc), quả mâm xôi đen (65 miligram flavan-3-ols/60 gram) và nam việt quất khô (35 miligram flavan-3-ols/80 gram).
Rượu và chocolate đen cũng chứa hàm lượng hợp chất “hoạt tính sinh học” cao. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu lưu ý lợi ích của flavan-3-ols là không đáng kể khi so sánh với những tác hại do hàm lượng chất béo và đường cao gây nên.
Ngoài ra, mọi người cũng có thể lựa chọn các thực phẩm khác để bổ sung flavan-3-ols như táo (15 miligram flavan-3-ols/một quả táo nhỏ) và quả việt quất (10 miligram flavan-3-ols/150 gram).
Cảnh báo của chuyên gia
Các bác sĩ cảnh báo bạn không nên dùng thực phẩm chức năng để bổ sung flavan-3-ols. Tiến sĩ Kuhnle nhấn mạnh: “Thức ăn và đồ uống lành mạnh sẽ cung cấp flavan-3-ols hiệu quả hơn nhiều so với thực phẩm chức năng”.
Dùng thực phẩm chức năng chứa flavan-3-ols liều lượng cao thậm chí có thể dẫn đến các vấn đề về dạ dày và tổn thương gan.
Gần đây, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến nghị chế độ ăn uống nên bao gồm các hợp chất tốt cho sức khỏe, thay vì chỉ tập trung vào việc cải thiện sự thiếu hụt của các chất thiết yếu như vitamin, khoáng chất, protein, chất béo và đường.
Cho đến nay, chất xơ là chất dinh dưỡng không bắt buộc duy nhất được khuyến khích với mục đích cải thiện sức khỏe chứ không phải để bổ sung sự thiếu chất. Nguyên nhân là chất xơ liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ và tiểu đường loại 2.
Ông Kuhnle nói: “Thật tuyệt vời nếu việc phát triển các khuyến nghị về chế độ ăn uống và các hợp chất hoạt tính sinh học như flavanols có những bước tiến triển. Nhưng quá trình này đòi hỏi nhiều thời gian”.
Ông cho biết việc tiêu thụ lượng flavanols như trên có tác động tương đương với việc ăn theo chế độ ăn Địa Trung Hải hoặc giảm đáng kể lượng muối tiêu thụ hàng ngày. Những điều này đều dựa trên các khuyến nghị chính thức.
Theo: Zing