Trái ngược với nhiều kết luận trước đây, các nhà khoa học tại Mỹ khẳng định ăn nhiều thịt đỏ không gây ung thư, đột quỵ. Yếu tố làm tăng khả năng tử vong là chế độ ăn ít rau.Trái ngược với nhiều kết luận trước đây, các nhà khoa học tại Mỹ khẳng định ăn nhiều thịt đỏ không gây ung thư, đột quỵ. Yếu tố làm tăng khả năng tử vong là chế độ ăn ít rau.

Phát hiện mới xua tan hầu như mọi lo ngại về việc ăn thịt đỏ. Ảnh: james_kern.

Trong nhiều năm, các nghiên cứu cho rằng tiêu thụ thịt đỏ có liên quan tới những vấn đề sức khỏe như bệnh tim, đột quỵ và ung thư. Nhưng các nghiên cứu này vẫn có những hạn chế về phương pháp luận.

Gần đây, các chuyên gia sức khỏe tại Đại học Washington (Mỹ) xem xét kỹ lưỡng hàng trăm nghiên cứu về việc tiêu thụ thịt đỏ và mối liên hệ với những tình trạng sức khỏe mạn tính. Họ phát hiện ăn nhiều thịt đỏ không gây các bệnh nguy hiểm như nhiều người vẫn nghĩ.

Bằng chứng yếu ớt

Nhóm chuyên gia chỉ tìm thấy bằng chứng yếu ớt về việc tiêu thụ thịt đỏ chưa qua chế biến có liên quan ung thư đại trực tràng, ung thư vú, tiểu đường type II và bệnh tim thiếu máu cục bộ. Không có mối liên hệ nào giữa việc ăn thịt đỏ và đột quỵ.

Nhiều năm qua, các nghiên cứu trước đây thường chỉ ra mối liên hệ giữa việc tiêu thụ thịt đỏ với các vấn đề sức khỏe như bệnh tim, đột quỵ và ung thư. Nhưng ẩn mình trong các bài báo đã xuất bản là các điểm hạn chế đáng chú ý.

Gần như tất cả nghiên cứu đều là quan sát, không thể đưa ra lý do một cách thuyết phục. Hầu hết đều bị cản trở bởi các biến gây nhiễu. Ví dụ, những người ăn thịt chỉ đơn giản là ăn ít rau hơn, hoặc có xu hướng hút thuốc nhiều hơn, tập thể dục ít hơn. Hơn nữa, nhiều người dựa trên mức tiêu thụ tự báo cáo. Thực tế là mọi người không thể nhớ họ ăn bất kỳ thứ gì với độ chính xác là bao nhiêu. Đặc biệt, quy mô trong các bài báo khoa học này thường nhỏ.

Vậy nguy cơ ung thư cao hơn 15% ở nhóm mẫu rất nhỏ này có thực sự đáng lo hay không?

“Giải oan” cho thịt đỏ

Ở nghiên cứu mới chưa có tiền lệ, các nhà khoa học tại Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe (IHME), thuộc Đại học Washington, đã xem xét kỹ những nghiên cứu hàng thập kỷ về việc tiêu thụ thịt đỏ và mối liên hệ của nó với các kết quả sức khỏe khác nhau. Họ xây dựng hệ thống đánh giá mới để thông báo các nguy cơ sức khỏe trong quá trình này.

Phát hiện của họ xua tan hầu như mọi lo ngại về việc ăn thịt đỏ.

Thịt đỏ được đề cập đến trong nghiên cứu không phải là thịt chế biến. Nghĩa là thịt tươi nấu ăn liền, không phải thịt đã xử lý và đóng gói, đóng hộp hoặc thay đổi trạng thái tự nhiên. Nó khác với thịt chế biến – như thịt xông khói, xúc xích, thịt nguội, thịt hộp – đã được xử lý để tăng hương vị hoặc thời hạn sử dụng, bằng cách hun khói, ướp muối, xử lý, sấy khô hoặc đóng hộp.

Các nhà khoa học của IHME quan sát những thiếu sót của khoa học sức khỏe trong nhiều thập kỷ. Mỗi năm, hàng trăm nghiên cứu về thực phẩm được công bố, chỉ với mục tiêu là tìm ra mối liên hệ giữa một loại thực phẩm nào đó với nguy cơ tử vong, bệnh tật. Song, do các phương pháp cẩu thả, đối tượng khác nhau và biện pháp thống kê không nhất quán, mọi thực phẩm dường như đều có mối liên hệ với nguy cơ mắc bệnh ung thư.

Các nhà khoa học cho rằng đây là điều khiến người dân rất hoang mang. Do đó, họ sử dụng phương pháp mới để đánh giá, định lượng bằng chứng đánh giá các cặp rủi ro – kết quả. Sau đó, họ sử dụng hàm, tính toán thành một số duy nhất rồi chuyển thành hệ thống xếp hạng 1-5 sao.

Chế độ ăn ít rau và thay thế calo từ rau bằng thịt mới là yếu tố gây tổn hại sức khỏe. Ảnh: Freepik.

“Xếp hạng một sao cho thấy có thể không có mối liên hệ thực sự giữa hành vi hoặc tình trạng ăn uống và sức khỏe. Hai sao có nghĩa hành vi ăn uống ít nhất có liên quan đến 0-15% thay đổi về sức khỏe. Con số này của các sao còn lại lần lượt là 3 sao (15-50%), 4 sao (50-85%) và 5 sao (>85%)”, báo cáo viết.

Khi IHME sử dụng chức năng này với việc tiêu thụ thịt đỏ và các mối liên hệ tiềm ẩn, họ nhận thấy không sản phẩm nào được xếp hạng 2 sao. Điều này đồng nghĩa việc tiêu thụ thịt đỏ không có tác động tới sức khỏe như chúng ta vẫn nghĩ.

Nhà thần kinh học, tiến sĩ Steven Novella, Đại học Yale, Chủ tịch Hiệp hội New England Skeptical, nhận xét: “Bằng chứng về nguy cơ mắc bệnh mạch máu hoặc ảnh hưởng sức khỏe trực tiếp từ việc ăn thịt thường xuyên là rất thấp. Nó thấp đến mức có thể không có nguy cơ mắc bệnh . Tuy nhiên, có nhiều bằng chứng về nguy cơ mắc bệnh do ăn quá ít rau. Đây thực sự là vấn đề của chế độ ăn nhiều thịt, ít rau mà nhiều người đang áp dụng”.

Tác giả chính của nghiên cứu, Giáo sư, tiến sĩ Christopher Murray, Đại học Washington (Mỹ), hy vọng phát hiện này sẽ “giải tỏa sự nhầm lẫn và giúp mọi người đưa ra quyết định sáng suốt về chế độ ăn uống, tập thể dục và các hoạt động khác có thể ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài”.

Theo Thiên Nhan (zing) – Ảnh: T.H