Vượt qua hàng triệu năm để tìm cách xử lý thực phẩm, con người giờ đây lại đang tìm mọi cách để tiêu thụ các loại thức ăn nguyên bản.

Gần một tuần qua, anh Đ.Q.T. (28 tuổi, trú tại Hoàng Mai, Hà Nội) liên tục xuống siêu thị dưới chân tòa chung cư đang sinh sống để tìm mua bún gạo lứt. Dẫu vậy, hôm nay cũng giống những ngày trước đó, anh phải trở về “tay trắng”.

“Tôi có hỏi nhân viên thì nhận câu trả lời rằng chưa nhập được hàng vì nhu cầu cao. Tôi được khuyên ăn bún gạo lứt để giảm cân. Chưa kể nghe nói ăn bún gạo lứt tốt cho người bệnh tiểu đường nên cũng tính mua về cho ông bà luôn”, anh T. chia sẻ.

Song song với bún gạo lứt, theo nhân viên bán hàng tại siêu thị này, các mặt hàng như bánh mỳ đen, bánh mỳ nguyên cám (whole grain), ngũ cốc ăn sáng làm từ yến mạch, diêm mạch,… cũng thường xuyên được thay mới trên kệ khi lượng người mua khá lớn.

Dạo một vòng các trang mạng xã hội có nội dung về dinh dưỡng, tập luyện giảm cân, chúng ta dễ thấy các KOL, KOC hay thậm chí những người nổi tiếng không ngần ngại chia sẻ chế độ ăn của họ với gạo lứt, bún gạo lứt, bánh mỳ đen,…

Gạo lứt, bánh mỳ nguyên cám hay các thực phẩm thô nói chung được Châu Bùi sử dụng trong thực đơn hàng ngày. Ảnh: Youtube.

Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, một số quán ăn, nhà hàng hiện nay cũng bắt đầu bổ sung bún lứt, phở lứt, cơm lứt vào sản phẩm truyền thống của mình.

Những sản phẩm này được gọi là thực phẩm thô. Những chế độ ăn sử dụng chủ yếu dạng sản phẩm này từ đó cũng được coi là ăn thô.

Như thế nào là ăn thô?

Thạc sĩ, bác sĩ Lê Thị Hải, nguyên Giám đốc Trung tâm Khám tư vấn Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho biết một người áp dụng chế độ dinh dưỡng với các loại thực phẩm chưa qua xử lý, xay xát, còn nguyên hạt, lớp vỏ, xơ được gọi là ăn thô.

Vị chuyên gia nêu ví dụ: “Gạo sau khi đã xay xát, sản xuất thành các dạng như bún, mỳ, phở,… sẽ không được gọi là thực phẩm thô. Thay vào đó, chúng phải được giữ nguyên cám”.

Thạc sĩ, bác sĩ Lê Thị Hải, nguyên Giám đốc Trung tâm Khám tư vấn Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc. Ảnh: NVCC.

Tương tự, ngô, khoai khi được chế biến ở thể ban đầu được gọi là thực phẩm thô. Tuy nhiên, sau khi bị xay thành bột, người sử dụng không còn là ăn thô. Bánh mỳ trắng cũng không được xếp vào nhóm thực phẩm thô, thay vào đó là bánh mỳ đen, làm từ bột mỳ nguyên cám.

Theo Healthline, thực phẩm thô đa phần chỉ các sản phẩm tinh bột từ thực vật chứa phần chất xơ không được cơ thể con người tiêu hóa sau khi ăn (Roughage).

Theo kết quả nghiên cứu được đăng tải trên trang thông tin y khoa PubMed, Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH), phần chất xơ này sau khi đến ruột già sẽ bị vi khuẩn đường ruột phân hủy hoặc thải ra ngoài cơ thể theo đường phân.

Trong hầu hết thực phẩm thô thường bao gồm cả 2 loại chất xơ là hòa tan và không hòa tan. Khi vào trong cơ thể, chất xơ hòa tan sẽ hấp thu nước để trở thành dạng gel, từ đó cho phép vi khuẩn đường ruột phân hủy chúng dễ dàng. Ngược lại, chất xơ không hòa tan có cấu trúc cứng hơn và không hấp thu nước, từ đó đào thải qua phân.

Một số nghiên cứu cho thấy hạt chia, yến mạch chứa nhiều chất xơ hòa tan. Trong khi đó, các loại trái cây và rau củ chủ yếu gồm chất xơ không hòa tan.

Theo bác sĩ Hải, đây cũng là yếu tố quan trọng nhất khiến thực phẩm thô mang tới nhiều lợi ích cho cơ thể con người.

Vị chuyên gia khẳng định: “Chất xơ có vai trò rất quan trọng, đặc biệt với người bệnh tiểu đường, mỡ máu cao, béo phì”.

Theo kết quả nghiên cứu được đăng tải trên trang thông tin y khoa PubMed, Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH), phần chất xơ này sau khi đến ruột già sẽ bị vi khuẩn đường ruột phân hủy hoặc thải ra ngoài cơ thể theo đường phân.

Trong hầu hết thực phẩm thô thường bao gồm cả 2 loại chất xơ là hòa tan và không hòa tan. Khi vào trong cơ thể, chất xơ hòa tan sẽ hấp thu nước để trở thành dạng gel, từ đó cho phép vi khuẩn đường ruột phân hủy chúng dễ dàng. Ngược lại, chất xơ không hòa tan có cấu trúc cứng hơn và không hấp thu nước, từ đó đào thải qua phân.

Một số nghiên cứu cho thấy hạt chia, yến mạch chứa nhiều chất xơ hòa tan. Trong khi đó, các loại trái cây và rau củ chủ yếu gồm chất xơ không hòa tan.

Theo bác sĩ Hải, đây cũng là yếu tố quan trọng nhất khiến thực phẩm thô mang tới nhiều lợi ích cho cơ thể con người.

Vị chuyên gia khẳng định: “Chất xơ có vai trò rất quan trọng, đặc biệt với người bệnh tiểu đường, mỡ máu cao, béo phì”.

Các thực phẩm đã qua xay xát, xử lý không còn được xếp vào nhóm thức ăn thô. Ảnh minh họa: tuan_anh_tran.

Theo một nghiên cứu tại Mỹ năm 2017, chỉ khoảng 5% người trưởng thành đảm bảo đủ lượng chất xơ cần thiết trong ngày.

Việc ăn không đủ chất xơ có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe. Chúng liên quan trực tiếp đến một số vấn đề về tiêu hóa như táo bón, rối loạn tiêu hóa, sự phát triển bất thường của vi khuẩn gây hại trong ruột, nguy cơ béo phì, ung thư ruột kết và ung thư vú.

Càng ít xử lý, thực phẩm càng tốt

Theo bác sĩ Lê Thị Hải, bên cạnh cung cấp chất xơ, các thực phẩm thô còn chứa nhiều vitamin nhóm B, một số loại vitamin khác và khoáng chất. Những ưu điểm này khiến chúng có lợi cho tiêu hóa, tránh táo bón và đặc biệt tốt với người bệnh tiểu đường, huyết áp, mỡ máu cao hay béo phì.

Về vấn đề này, lương y Võ Hà, Hội Đông y Việt Nam, cho biết qua quá trình chế biến hoặc xay xát, những thực phẩm phổ biến như gạo trắng, bún, mỳ, phở, hủ tiếu,… đã được bỏ hết phần màng ngoài của các hạt ngũ cốc – bộ phận chứa nhiều vi chất dinh dưỡng nhất của hạt.

Theo nhiều nghiên cứu, lượng chất chống oxy hóa trong ngũ cốc thô khá lớn và hiệu quả hơn ở rau củ quả nhiều lần. Chất xơ trong hạt hiệu quả cho việc tiêu mỡ và cải thiện tim mạch hơn so với chất xơ rau quả.

Vị chuyên gia cho hay những người ăn ngũ cốc thô cho thấy họ cải thiện đáng kể lượng CRP (một yếu tố biểu thị tình trạng viêm ở thành mạch máu) trong máu. Lượng mỡ bụng và CRP gia tăng thái quá luôn kèm theo nguy cơ tiểu đường và nhồi máu cơ tim, đột quỵ.

Các thực phẩm thô mang đến nhiều lợi ích đặc biệt cho người bệnh tiểu đường, cao huyết áp, béo phì,… Ảnh minh họa: jasmin_schreiber.

Theo ông, chính chất xơ, chất khoáng và những chất chống oxy hóa của hạt toàn phần đóng vai trò then chốt trong việc ngăn chặn béo phì, phòng chống loãng xương, xơ vữa động mạch và tăng cường hệ miễn dịch, kể cả phòng chống ung thư.

“Chỉ cần ăn mỗi ngày một bữa ăn với ngũ cốc thô cũng làm giảm được khoảng 30% nguy cơ mắc các loại bệnh tim mạch, tiểu đường so với những người hiếm khi dùng chất thô”, lương y Võ Hà nói.

Đồng quan điểm, bác sĩ Lê Thị Hải nhận định những người béo phì khi sử dụng thực phẩm thô với nhiều chất xơ sẽ có cảm giác no lâu hơn, từ đó không còn nhu cầu nạp thêm dinh dưỡng, tránh thừa năng lượng.

Trong khi đó, những trường hợp mỡ máu cao, tiểu đường ăn bổ sung chất xơ từ thực phẩm thô khiến đường được hấp thu dần vào cơ thể, tránh hiện tượng tăng đường huyết sau ăn.

“Ngay cả với những người khỏe mạnh, việc ăn thực phẩm thô cũng giúp chúng ta phòng ngừa được những vấn đề trên. Đây cũng là lý do con người hiện nay được khuyến cáo ăn các thực phẩm ngày càng gần với tự nhiên, càng nguyên thô, ít xử lý càng tốt”, bác sĩ Hải kết luận.

Healthline thông tin phần chất xơ quan trọng này có ở gần như tất cả thực phẩm từ thực vật như ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, rau, đậu, hạt,… Một số loại thực phẩm còn chứa lượng chất xơ cao nổi bật như hạt chia, đậu đen, đậu xanh, quả lê, quả bơ, yến mạch, táo, diêm mạch, hạnh nhân, ngô,…

Theo Quốc Toàn (zing) – Ảnh: T.H