Dưới đây là những tác dụng phụ của gạo nếp người nội trợ cần nắm được.
Gạo nếp chứa nhiều amilopectin, dễ gây nên chứng khó tiêu. Ảnh: Thekitchn.
Gạo nếp và các món ăn từ gạo nếp lâu nay được biết đến rất tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, gạo nếp cũng có những tác dụng phụ gây hại cho sức khỏe. Dưới đây là những bài thuốc chữa bệnh từ gạo nếp cũng như tác dụng phụ của gạo nếp.
Tác dụng của gạo nếp
Gạo nếp là thực phẩm giá trị dinh dưỡng cao, chứa protein, tinh bột, đường, vitamin nhóm B (nhiều trong cám gạo) và chất vô cơ. Gạo nếp thường được dùng nấu xôi, chè, làm bánh (bánh khảo, bánh chưng, nếp, bánh gai, bánh nướng…). Đặc biệt, gạo nếp còn có tác dụng chữa bệnh mà ít người biết đến.
Theo Đông y, gạo nếp vị ngọt, tính ôn, vào tỳ vị và phế. Gạo nếp tác dụng bổ trung, ích khí, kiện tỳ, cố biểu chỉ tả. Thực phẩm này dùng cho các chứng tiểu đường, tự hãn, tiểu dắt, di niệu, tiêu chảy. Liều dùng hàng ngày khoảng 50-200 gram bằng cách rang, sấy, tán bột…
Bài thuốc chữa bệnh từ gạo nếp
Theo các chuyên gia, gạo nếp vị ngọt, tính ấm vào được ba đường kinh tỳ, vị và phế, công dụng bổ trung ích khí, kiện tỳ dưỡng vị, ích phế chỉ hãn, có thể dùng gạo nếp chữa bệnh theo các bài thuốc:
Bồi bổ cho người suy nhược: Gạo nếp 250 gram, rượu vang 500 ml, trứng gà hai quả. Tất cả cho vào bát to, đem hấp cách thủy cho chín, chia ăn vài lần.
Người ăn kém, hay buồn nôn: Gạo nếp 30 gram tán ra bột mịn, nấu thành dạng hồ loãng, cho thêm 30 gram mật ong, chia ăn vài lần trong ngày.
Người bị bệnh đường ruột, đại tiện lỏng nát kéo dài: Gạo nếp 500 gram ngâm nước một đêm, để ráo rồi sao thơm. Hoài sơn 50 gram, sao vàng. Hai thứ tán thành bột mịn, mỗi sáng dùng 20-30 gram, khuấy đều với nước sôi, thêm chút đường đỏ và hạt tiêu để làm món điểm tâm.
Gạo nếp tốt cho sức khỏe nhưng cũng có những tác dụng phụ cần lưu ý. Ảnh: VTC News.
Người viêm dạ dày mạn tính và loét dạ dày: gạo nếp lượng vừa đủ, cho thêm táo tàu đun thành cháo loãng để ăn mỗi ngày từ một đến 2 lần.
Người nôn mửa không dứt: gạo nếp sắc với gừng: Gạo nếp 20 gram, sao vàng; gừng tươi ba lát giã nhỏ. Đem hai thứ sắc với 200 ml nước còn 50 ml, uống trong ngày.
Trị thiếu máu: Gạo nếp 100 gram, đậu đen 30 gram, hồng táo 30 gram, đun thành cháo, mỗi ngày ăn từ một đến 2 lần.
Tăng tiết sữa: Gạo nếp, cho thêm nước vào nấu nhừ với chân giò hoặc móng giò heo, lõi thông thảo, đu đủ non và lá sung sẽ giúp làm tăng tiết sữa.
Những tác dụng phụ của gạo nếp cần lưu ý
Ngoài những lợi ích kể trên gạo nếp cũng có một số tác dụng phụ mà người nội trợ nào cũng cần biết để bảo vệ sức khỏe cả gia đình.
Gạo nếp vốn chứa nhiều amilopectin tạo nên độ dẻo đặc trưng của cơm nếp. Tuy nhiên, chất amilopectin này lại hay gây nên chứng khó tiêu. Vì vậy, trẻ nhỏ, người già, người mới ốm dậy, người tỳ vị quá hư nhược không nên ăn nhiều đồ nếp.
Các chuyên gia cho biết gạo nếp có tính ôn ấm nên khi ăn nhiều có thể bị nóng. Trong Đông y khuyến cáo những người có thể chất thiên nhiệt hoặc đàm nhiệt, những người đang bị bệnh có sốt, ho khạc đờm vàng, vàng da, chướng bụng… nên tránh dùng đồ nếp. Những người mới phẫu thuật, người có những chỗ bị sưng viêm nên kỵ đồ nếp nếu không sẽ gây mưng mủ.
Với những người muốn giảm béo, không nên lựa chọn xôi vào thực đơn ăn sáng bởi xôi nấu từ gạo nếp, cộng thêm các loại đậu, dừa nạo, vừng… cung cấp cho bạn tới 600 calo/đĩa xôi (trong khi một bát phở chỉ chứa 400 calo). Đó là còn chưa kể bạn ăn các loại xôi gà, xôi thịt, xôi trứng.
Những bệnh nhân mắc tiểu đường hoặc tim mạch cũng không nên ăn món này. Thành phần có chứa rất nhiều tinh bột, đường, chưa kể các chất béo trong các loại thực phẩm ăn kèm sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe tim mạch, cũng như ảnh hưởng đến quá trình sản sinh ra insulin của tuyến tụy.
Theo Zing – Ảnh: T.H