Trong danh sách xếp hạng các loại gia vị tốt nhất châu Á của trang ẩm thực TasteAtlas, nước mắm Phú Quốc đứng ở vị trí thứ 5.

gia vi tot chau A anh 1

10. Muối Himalaya có nguồn gốc từ các mỏ muối ở Salt Range, một dãy đồi tại chân núi Himalaya ở Pakistan. Muối được thu hoạch để phục vụ nhu cầu của người sành ăn là những tinh thể đá màu hồng cam (đôi khi có màu trắng hoặc trong suốt) được khai thác từ các mỏ muối cổ đại ước tính gần 800 triệu năm tuổi. Ảnh: Alaminsalt.

gia vi tot chau A anh 2

9. Sốt mayonnaise Kewpie: Kewpie là thương hiệu sốt mayonnaise có nguồn gốc Nhật Bản. Sốt mayonnaise được làm từ ba thành phần chính là lòng đỏ trứng, dầu ăn và gạo hoặc giấm táo, không thêm đường hay muối. Sốt được đóng chai trong hộp dễ bóp. Sốt mayonnaise rất hợp với bánh mì, sushi, salad và okonomiyaki (bánh xèo mặn kiểu Nhật). Ảnh: Shutterstock.

gia vi tot chau A anh 3

8. Bawang goreng là một loại gia vị truyền thống của Indonesia, được làm bằng cách chiên hành thái lát mỏng cho vàng, giòn. Sau khi chế biến, loại gia vị này thường được bảo quản trong lọ kín để sử dụng sau. Hương vị của bawang goreng được mô tả là đắng và mặn. Nó được rắc lên nhiều món ăn khác nhau như nasi goreng, gà sa tế, bakso, semur và sop buntut. Ảnh: Midori.

gia vi tot chau A anh 4

7. Mirin là một loại rượu gạo Nhật Bản tương tự rượu sake nhưng ngọt hơn và có nồng độ cồn thấp hơn. Ban đầu, mirin được phát minh để sử dụng như một thức uống. Nhưng ngày nay loại rượu này chủ yếu được dùng làm gia vị trong nhiều món ăn Nhật. Màu sắc của rượu từ vàng nhạt đến vàng đậm. Thông thường, mirin được chia thành ba loại khác nhau dựa theo nồng độ cồn. Hon mirin có nồng độ cao nhất, shio mirin có khoảng 1,5% và shin mirin có ít hơn 1% cồn. Ảnh: Shutterstock.

gia vi tot chau A anh 5

6. Sốt Ponzu: Thường được gọi là dầu giấm Nhật Bản, ponzu được làm từ giấm gạo và nước chanh. Các thành phần bổ sung có thể bao gồm đường hoặc rượu mirin, rong biển khô và nước dùng dashi. Loại gia vị Nhật Bản này thường được dùng làm nước chấm, nhưng cũng có thể dùng làm nước sốt salad hoặc gia vị ướt. Ảnh: Shutterstock.

gia vi tot chau A anh 6

5. Nước mắm Phú Quốc được chiết xuất từ quá trình lên men thịt cá cơm ở nhiệt độ cao trong thời gian dài. Đây là loại nước chấm có màu đỏ sẫm đến nâu với vị đậm đà. Sau khi sản phẩm cuối cùng được tạo ra, nước mắm sẽ được đóng chai (nhựa hoặc thủy tinh). Ngoài dùng làm nước chấm, nước mắm cũng là gia vị nấu ăn quen thuộc của người Việt Nam. Ảnh: TasteAtlas.

gia vi tot chau A anh 7

4. Sriracha là loại tương ớt được làm với sự kết hợp của các thành phần ớt đỏ, tỏi, giấm, muối và đường. Nhiều người thường dùng sriracha làm nước chấm hoặc gia vị cho mì, hải sản, cơm chiên, chả giò hoặc phở. Bên ngoài châu Á, cái tên sriracha hầu như chỉ gắn liền với thương hiệu Huy Fong Foods ở Los Angeles, Mỹ. Trong những năm gần đây, loại tương ớt này đã trở thành cơn sốt toàn cầu, được dùng ở nhiều nhà hàng trên khắp nước Mỹ và châu Âu. Ảnh: Shutterstock.

gia vi tot chau A anh 8

3. Miso được làm bằng cách lên men đậu nành với muối, nấm koji, ngoài ra có thể dùng gạo, lúa mạch và nước. Đây là loại gia vị phổ biến nhất của Nhật Bản, thường được sử dụng để tạo hương vị cho súp, món hầm, nước sốt và tương. Dựa theo quá trình lên men và thành phần, miso có rất nhiều loại với hương vị khác nhau. Trong đó, 3 loại miso cơ bản là kome (miso làm từ gạo), mugi (miso lúa mạch) và mame miso (miso đậu nành). Ảnh: Shutterstock.

gia vi tot chau A anh 9

2. Gochujang là một trong những thành phần thiết yếu trong ẩm thực Hàn Quốc. Về cơ bản, loại gia vị này được làm từ gochugaru (bột ớt mịn), meju (bột đậu nành lên men), muối và gạo nếp để lên men trong vài tháng. Với mùi thơm đặc trưng của ớt tươi và kết cấu sệt sánh, gochujang thường được dùng cho các món canh, lẩu, nướng hoặc xào. Gochujang lần đầu tiên được nhắc đến trong văn bản vào năm 1614, nhưng người ta tin rằng loại tương ớt này đã xuất hiện trước đó. Ảnh: Maxwell Cozzi.

gia vi tot chau A anh 10

1. Nước tương (xì dầu): Được sử dụng ở Trung Quốc trong hơn 2.500 năm, nước tương là một trong những loại gia vị lâu đời nhất trên thế giới. Để làm nước tương, người ta lên men hỗn hợp muối, enzyme và đậu nành nghiền. Trước khi được sản xuất hàng loạt như ngày nay, việc tạo ra loại nước tương có hương vị tinh tế là một quá trình tốn rất nhiều công sức. Ảnh: Atlas/Adobe Stock.

Theo An Ngọc (zing) – Ảnh: T.H

Nguồn: giaitri.thoibaovhnt.com.vn | Copy Link