Một số người lo lắng trước nguy cơ ngộ độc thực phẩm nên khi ăn đồ hộp như cá hộp, thịt hộp thường đun kỹ lại.

Lựa chọn và bảo quản thực phẩm đóng hộp đúng cách để ngừa nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Ảnh: SKĐS.

Con gái chị T.V. (Cầu Giấy, Hà Nội) không thích ăn cá nhưng riêng món cá sốt cà chua, cá ngừ ngâm dầu… đóng hộp lại là món yêu thích của con nên chị thường mua về.

Kể cả là ăn trực tiếp hay trộn cá với cơm và thêm chút sốt mayonnaise, rong biển, chị V. vẫn cẩn thận đun kỹ cá hộp trước khi con ăn. Chồng con chị thắc mắc là sao phải làm thế, đun lên thì mất ngon nhưng chị V. cho rằng đun nóng mới an toàn.

Thắc mắc này cũng là của nhiều người có thói quen ăn cá hộp, thịt hộp. Vậy cách làm của chị V. có cần thiết không khi mà thực phẩm đóng hộp còn hạn sử dụng, hộp không có dấu hiệu phồng, móp, hoen gỉ và việc đun nóng có tác dụng phòng ngộ độc Botulinum hay không?

Đun kỹ thực phẩm đóng hộp trước khi ăn để ngừa ngộ độc Botulinum?

Theo TS Phạm Thùy Dương, giảng viên khoa Công nghệ sinh học, Đại học Phương Đông, thực phẩm đóng hộp là một dạng phổ biến hiện nay bởi tính tiện dụng, đa dạng của nó. Phương pháp đóng hộp thực phẩm cho phép lưu trữ thực phẩm trong một thời gian dài bằng quy trình phù hợp với từng loại thực phẩm và được chia làm ba giai đoạn: Chế biến, đóng hộp, làm nóng. Cả ba giai đoạn này đều đòi hỏi rất cao về việc ngăn ngừa và phòng tránh sự lây nhiễm của vi khuẩn gây bệnh.

Ở công đoạn làm nóng – khi thực phẩm được đóng hộp và khép kín, người ta sử dụng kỹ thuật thanh trùng phù hợp để tiêu diệt các vi sinh vật có hại trong đó đồng thời đảm bảo các chất dinh dưỡng bị tổn thất ít nhất, cho sản phẩm có chất lượng tốt nhất. Một trong những loại vi sinh vật thường xâm nhiễm vào đồ hộp và gây tác động lớn tới sức khỏe của người dùng là vi khuẩn C.Botulinum.

Việc người tiêu dùng đun thực phẩm sau khi mở hộp là để tránh độc tố có thể phát sinh sau đó. Nhưng đun thực phẩm đóng hộp ở nhiệt độ cao không phân giải được độc tố, do đó gần như không có ý nghĩa để ngừa ngộ độc Botulinum nếu trong quá trình bảo quản đồ hộp đã nhiễm độc tố này. Vì nếu thực phẩm nhiễm Botilinum, độc tố này đã sinh sôi, phát triển từ khi chưa mở hộp và sinh độc chất.

Đun sôi ở nhiệt độ cao, thời gian 8-10 phút có thể tiêu diệt bào tử nhưng không phân giải được độc tố có sẵn. Bào tử Botulinum có khả năng chịu nhiệt rất cao và có thể sống sót trong vài giờ ở nhiệt độ 100 độ C. Do vậy, việc đun lại vài phút trước khi ăn như chị T.V. làm không có tác dụng phá hủy độc tố nếu thực phẩm đã bị nhiễm Botulinum.

ngo doc Botulinum anh 1

Bảo quản thực phẩm đóng hộp ở nơi khô ráo, thoáng mát với nhiệt độ dưới 30 độ C. Ảnh: SKĐS.

Mặc dù việc đun kỹ thịt hộp, cá hộp trước khi ăn ở nhiệt độ cao trong thời gian dài (120 độ C trong 30 phút) có thể phá hủy các độc tố, trên thực tế, nếu thực phẩm đóng hộp bảo đảm các tiêu chuẩn về hạn sử dụng, hộp không bị méo, phồng, hoen gỉ, được bảo quản tốt thì việc đun quá kỹ này có thể làm mất hương vị, độ ngon của thực phẩm.

Một số lưu ý khi dùng thực phẩm đóng hộp

Để bảo quản thực phẩm đóng hộp một cách tốt nhất, hãy bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát với nhiệt độ dưới 30 độ C, tốt nhất 10-21 độ C, nhưng không ở trong môi trường đóng băng. Không bảo quản ở những nơi tiếp xúc với độ ẩm quá mức như trên bếp hoặc bên dưới bồn rửa.

Không bảo quản thực phẩm đóng hộp trong hộp sắt sau khi đã mở mà nên đun lại, chuyển thực phẩm vào hộp nhựa hoặc hộp thủy tinh kín khí và bảo quản trong tủ lạnh, sử dụng tối đa trong vòng 2-3 ngày.

Lưu ý, trước khi sử dụng thực phẩm đóng hộp cần làm sạch phần trên của đồ hộp để chúng không bị nhiễm vi khuẩn.

Luân phiên thức ăn để thức ăn cũ nhất được sử dụng trước, không sử dụng thực phẩm đóng hộp quá hạn sử dụng ghi trên hộp, lon… Thực phẩm đóng hộp có hàm lượng axit cao như cà chua, trái cây và thực phẩm ngâm chua có thời hạn sử dụng ngắn hơn và có xu hướng giữ được chất lượng tốt nhất trong 12-18 tháng.

ngo doc Botulinum anh 2

Tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm đóng hộp đã hết hạn sử dụng, bị phồng, bẹp, biến dạng, hoen gỉ, không còn nguyên vẹn hoặc có mùi vị, màu sắc thay đổi khác thường. Ảnh: SKĐS.

Trong khi đó, thực phẩm đóng hộp có hàm lượng axit thấp như thịt và rau có thể giữ được từ 2 đến 5 năm. Tuy nhiên, các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng tốt nhất không giữ thực phẩm đóng hộp quá một năm.

Khuyến cáo phòng ngộ độc Botulinum của Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế

1. Trong sản xuất, chế biến phải dùng những nguyên liệu bảo đảm an toàn thực phẩm, tuân thủ theo đúng yêu cầu quy định về vệ sinh trong quy trình sản xuất. Trong sản xuất đồ hộp, phải chấp hành chế độ khử khuẩn một cách nghiêm ngặt.

2. Chỉ sử dụng các sản phẩm thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm đóng hộp đã hết hạn sử dụng, bị phồng, bẹp, biến dạng, hoen gỉ, không còn nguyên vẹn hoặc có mùi vị, màu sắc thay đổi khác thường.

3. Thực hiện ăn chín, uống sôi. Ưu tiên ăn các thực phẩm mới chế biến, mới nấu chín.

4. Không nên tự đóng gói kín các thực phẩm và để kéo dài trong điều kiện không phải đông đá. Với các thực phẩm lên men, đóng gói hoặc che đậy kín theo cách truyền thống (như dưa muối, măng, cà muối…) cần đảm bảo phải chua, mặn. Khi thực phẩm hết chua thì không nên ăn.

5. Khi xuất hiện các triệu chứng ngộ độc Botulinum, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Theo Zing – Ảnh: T.H

Nguồn: giaitri.thoibaovhnt.com.vn | Copy Link