Black Widow, Shang-Chi, Eternals đều đại diện cho sự rập khuôn và thiếu sáng tạo của dòng phim siêu anh hùng. Đạo diễn gạo cội Martin Scorsese từng nói vũ trụ Marvel không phải là điện ảnh mà chỉ là những bộ phim giống nhau được làm đi làm lại để sinh lời.
Đạo diễn James Gunn – người làm phim cho Marvel, DC – thẳng thắn nói dòng phim này đang thiếu trầm trọng ý tưởng mới.
Siêu năng lực bị lãng phí
Từ Eternals, có thể chất vấn môtip siêu anh hùng. Nếu các nhân vật sở hữu siêu năng lực có thể tạo nên cách mạng khoa học kỹ thuật, y học, vận chuyển, ngăn biến đổi khí hậu, phục hồi môi trường sống của con người… thì tại sao họ chỉ đánh nhau với những kẻ thù bí ẩn nào đó mà không thay đổi thế giới theo cách triệt để hơn?
NBC News cho rằng chính Eternals cũng nhận ra tiền đề siêu anh hùng của nó thật vô nghĩa.
“Siêu năng lực của họ có thể khiến cuộc sống trên Trái đất trở nên tốt đẹp hơn theo nhiều cách. Nhưng thay vào đó, các siêu anh hùng lao vào những cuộc phiêu lưu với cái đầu trống rỗng để giữ mọi thứ giống hệt như cũ” – trang báo viết.
Nhóm Eternals do các Celestials, chủng loài siêu đẳng trong vũ trụ, gửi đến Trái đất cách đây hơn 7.000 năm. Nhiệm vụ của họ là tiêu diệt các Deviants, quái vật tồn tại hàng thiên niên kỷ. Dù kẻ thù rất nguy hiểm, vẫn thật khó hiểu khi các Eternals – những siêu anh hùng đầy quyền năng đã sống qua hàng thế kỷ – lại bị giới hạn trong việc chiến đấu với một nhóm kẻ thù cụ thể.
Ví dụ, Phastos (Brian Tyree Henry) là nhà phát minh siêu việt, tin rằng con người thời đại đồ đồng có thể học cách chế tạo động cơ hơi nước. Druig (Barry Keoghan) biết kiểm soát tâm trí con người, mong chấm dứt chiến tranh và diệt chủng nếu có cơ hội. Ajak (Salma Hayek), thủ lĩnh của Eternals, có năng lực chữa bệnh tuyệt vời.
Nếu họ theo đuổi đến cùng các siêu năng lực ấy, sẽ có rất nhiều mục tiêu cao cả được hoàn thành.
Siêu anh hùng có… anh hùng?
Từ 10 năm trước, trang Gizmodo đã liệt kê một loạt phim siêu anh hùng như Superman, Batman, X-Men, Spider-Man, Daredevil, Fantastic Four, Iron Man… để chứng minh rằng: mục tiêu chiến đấu của các siêu anh hùng ngày càng trở nên cá nhân, riêng tư.
Kẻ thù của họ thường là một người thân: cha, cha của bạn thân, bạn thời đại học, bạn thân nhất, vợ cũ, hay anh em. Rất hợp lý nếu siêu anh hùng chiến đấu để không bị kẻ thù giết, nhưng điều đó “chẳng có vẻ gì là anh hùng cả” khi động cơ của kẻ thù là mâu thuẫn cá nhân.
Mới nhất, Shang-Chi và huyền thoại Thập Luân trở lại với môtip này khi phản diện là cha đẻ của nhân vật chính. Họ lao vào cuộc chiến sinh tử vì người cha muốn đưa người mẹ trở về từ cõi chết (đồng thời gây hậu quả khôn lường), còn người con muốn ngăn chặn.
Thay vì biến mục tiêu trở nên cá nhân, trang Gizmodo cho rằng các siêu anh hùng nên chứng tỏ phẩm chất anh hùng thực sự bằng cách chiến đấu với cái ác một cách phi cá nhân, phi vụ lợi: “Khi bạn thấy cái ác đe dọa phá hủy mọi thứ, bạn đứng lên và chiến đấu chống lại nó. Đó mới là những gì anh hùng làm”.
Các phần 2 ngớ ngẩn
Đây là vấn đề chung cả DC và Marvel gặp phải: họ đang sản xuất những phần tiếp theo quá nhàm chán. Black Widow (Góa phụ đen) là phim riêng đầu tiên về nữ anh hùng, nhưng gây cảm giác cũ kỹ như một phần tiếp theo vì nhân vật đã nhẵn mặt trong các phim Marvel.
Theo Techradar, Ant-Man and the Wasp, phần 2 của Ant-Man, thực sự tệ so với phần đầu. Thor: The Dark World hay Iron Man 2 là những phần 2 nổi tiếng vì tệ. Guardians of the Galaxy Vol. 2 của chính James Gunn cũng không quá cần thiết.
Và Wonder Woman 1984 đáng thất vọng khi không có nổi một nhân vật phản diện ra hồn và cũng không cung cấp được gì mới mẻ về nhân vật Diana.
Nhiều phần tiếp theo quá tệ là dấu hiệu cho thấy dòng phim siêu anh hùng đang trở nên chật chội, thiếu thốn chất liệu mới dù vẫn kiếm bộn tiền. Trong vài năm nữa, dòng phim vẫn sẽ hốt bạc và khán giả chưa đến nỗi quá chán chường.
“Nhưng nếu những bộ phim này không chịu thay đổi, chúng sẽ trở nên rất, rất nhàm chán” – đạo diễn James Gunn nói.